Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 10) khai mạc vào ngày 16-5 sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.
Đánh giá quá trình, dự phóng tương lai
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Hội nghị Trung ương 10 sẽ bàn về các nội dung: Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh các văn kiện trình ra Đại hội XIII là rất quan trọng. Vì thế, Trung ương đã quyết định thành lập các tiểu ban, chứ không phải chỉ có một tiểu ban, đó là Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị Ảnh: TTXVN
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị đã xác định năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, năm 2030 là 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. "Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề và yêu cầu tất cả địa phương không chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra nhiều câu hỏi: Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy vừa qua, kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa, có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu vấn đề Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhưng vấn đề quản lý sẽ như thế nào. Có bị phụ thuộc không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Nhấn mạnh kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: "Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân".
Phải thật sự đổi mới
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu báo cáo trình ra đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới, hình dung xem địa phương đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào?
Riêng về kết cấu của các báo cáo, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phải được quyết định tại Hội nghị Trung ương 10 để kịp hoàn chỉnh dự thảo đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Về cách viết cũng cần có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Cho rằng vấn đề nhân sự trong Đại hội XIII của Đảng là rất quan trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng nội dung càng quan trọng hơn, "để sau này khi đại hội công bố ra, nhân dân thấy phấn khởi, tin tưởng vào đường lối của Đảng".
Để làm được như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị thực sự cầu thị, đổi mới cách làm. "Khi họp với các đồng chí lão thành, tôi đã mời các đồng chí lão thành có kinh nghiệm. Các đồng chí dù tuổi cao nhưng còn trí tuệ. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa trí tuệ của các tầng lớp trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Đặc biệt lưu ý chất lượng cấp ủy các cấp
Trong nội dung phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ về định hướng chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành đại hội, Bộ Chính trị cần ban hành chỉ thị về vấn đề này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị Trung ương quan tâm thảo luận thật cụ thể về tờ trình và dự thảo chỉ thị; tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đại hội Đảng bộ các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy. Trong đó, đặc biệt lưu ý yêu cầu về phẩm chất, năng lực, cơ cấu, số lượng cấp ủy các cấp; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; độ tuổi tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bình luận (0)