23 giờ ngày 6-2 (nhằm 21 tháng chạp), ngã tư An Sương (quận 12, TP HCM) vẫn nườm nượp xe cộ qua lại. Bên trong rào chắn công trình xây dựng hầm chui An Sương, gần chục công nhân (CN) đang làm khung tường vây đốt hầm cuối cùng của nhánh N1. Không ai bảo ai, họ đang cố gắng hết sức để những mong có thêm tiền tăng ca trang trải cho ngày Tết sum vầy bên gia đình.
Đêm trắng và nỗi lòng
Ông Nguyễn Văn Bé Năm - quê huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - gắn bó với công trường hầm chui An Sương đã hơn 4 tháng. Công việc chính của ông là điều tiết giao thông vào ban ngày, tối làm bảo vệ công trường và phụ giúp anh em CN vài việc nhẹ nhàng.
Nhóm công nhân tại dự án xây dựng hầm chui An Sương hối hả làm tường vây của đốt hầm cuối cùng
Đêm chúng tôi đến, ông Năm cùng gần chục CN đang cân chỉnh cốt thép bên trong khung vây cho chuẩn theo bản vẽ thiết kế để tối hôm sau đổ bê-tông. Những thanh thép to nặng được cố định lại, mỗi người một việc nhịp nhàng theo sự chỉ huy của cán bộ kỹ thuật.
Tranh thủ lúc rảnh tay, ông Năm khoe nhờ làm nhiều việc mà lương tháng Tết chắc sẽ gần chục triệu đồng. Càng cận Tết, ông Năm càng chi tiêu tiết kiệm để dành tiền đem về quê cho bà xã mua sắm "ngon lành" chút.
Đang vui chuyện, ông Năm bỗng chùng xuống khi thấy một chiếc xe khách biển số Tiền Giang vụt qua. "Tết mà, mình cũng muốn được về sớm để cùng vợ con sửa sang lại nhà cửa cho đàng hoàng, rồi còn đi thăm chòm xóm, xem năm qua mọi người có gì mới không" - ông Năm thổ lộ.
Cạnh hạng mục thi công đốt hầm, một nhóm 3 CN thuộc gói thầu thi công mặt đường cũng đang hối hả làm việc. Anh Hoàng Trọng Hiếu đang canh lửa nấu 3 thùng nhựa đường lỏng MC70 để chuẩn bị tưới mặt đường mới được lu lèn.
Theo Hiếu, Tết đến, ai cũng mong được ngồi bên bếp lửa với nồi bánh tét, bánh chưng; còn anh thì 2 cái Tết rồi luôn ngồi bên "bếp nhựa đường". Hiếu cho biết cận Tết, mỗi ca làm việc dù đêm hay ngày, anh được trả 350.000 đồng. Thế nhưng, anh thích làm ca đêm hơn để còn "hóng" chút hương vị Tết lướt qua theo những chuyến xe đưa người về quê.
Trong lúc anh Hiếu đang "mơ mộng" thì một số CN dùng những chiếc máy thổi công suất lớn thổi bụi trên mặt đường để tăng sự kết dính khi trải nhựa. Mỗi khi chiếc máy tăng ga là bụi bay lên mù mịt, làm anh Hiếu nhớ lại rằng mình đang "cày" dù rất muốn ở nhà những ngày cận Tết cùng với vợ con.
Càng về sáng, không khí làm việc trên công trường càng tất bật, hối hả. Tranh thủ lúc giải lao, ông Nguyễn Cường Thịnh, Trưởng tư vấn giám sát dự án hầm chui An Sương, cho biết vào lúc cao điểm có khoảng 200 CN trên công trường, còn những ngày cuối năm chỉ còn khoảng 60 người. Theo dự kiến, nhánh N1 sẽ được thông xe trước Tết nguyên đán nhưng quá trình thi công trạm bơm nằm ở độ sâu khoảng 16 m gặp trở ngại về áp lực nước ngầm nên phải thay đổi phương án thi công. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự kiện thông xe nhánh N1 phải lùi lại vào cuối tháng 3-2018.
"Những ngày Tết, một nhóm CN khoảng 20 người phải ở lại công trường thi công hạng mục này. Do đó, tư vấn giám sát cũng phải có mặt và đón Tết cùng với anh em CN" - ông Thịnh khẳng định.
Thổn thức ngày sum vầy
1 giờ ngày 7-2 (22 tháng chạp), từng mẻ bê-tông nhựa được trải xuống mặt đường, chiếc xe lu lăn qua lăn lại nhiều lần. Người lái xe lu căn chỉnh ở những vị trí sát mép đường cho thẳng, hơi nhựa bay lên nghi ngút sau mỗi lần xe lu lăn qua.
Hơi nóng từ mặt đường phả lên hầm hập, CN phải đi giày có đế thật dày để không bị phỏng chân. Các CN nhanh tay hắt từng xẻng bê-tông ra những đoạn còn mỏng để độ dày của mặt đường được đồng đều, bằng phẳng. Ở những đoạn xe lu không lăn bánh qua được, CN phải dùng máy dập để nén bê-tông nhựa thật chặt… Đó là hình ảnh chúng tôi "chụp" lại ở công trường "thay áo mới" cho đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Uống ly nước trong lúc chờ mẻ bê-tông nhựa mới, ông Nguyễn Văn Hạp - quê Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - nói những ngày giáp Tết, tiết trời càng lạnh, nỗi nhớ nhà càng tăng. Thời gian chờ xe chở bê-tông thường khoảng 30 phút cho đến 1 giờ. Trong lúc đó, có người tranh thủ chợp mắt, còn vài người ngồi trò chuyện về việc sắm Tết khi đến ngày về.
Theo ông Hạp, lương "cứng" của ông là 5 triệu đồng/tháng, mỗi lần tăng ca được thêm 150.000 đồng nên cũng không dư dả gì. Do đặc thù phải làm đêm tháng này qua tháng khác nên khuôn mặt ông Hạp già hơn tuổi 52. "Đợt này ráng tăng ca thật nhiều để 28 Tết về quê có thêm chút tiền cho mấy đứa cháu nhỏ "xả láng" với quần áo mới" - ông Hạp bày tỏ về động lực "cày" đêm giáp Tết của mình.
Rời công trường "thay áo mới" lúc 2 giờ, trên đường về, chúng tôi bắt gặp một nhóm CN đang sửa chữa cầu Tham Lương (quận 12) trên đường Trường Chinh. Một công trình bít đường ống thoát nước cũ khác ở đường Hai Bà Trưng (quận 1) cũng tất bật thi công về đêm…
Ghé những công trình này, hỏi thăm các CN, chúng tôi đều nhận thấy ở họ là sự cố gắng tăng ca với mong muốn có được cái Tết sum vầy trọn vẹn bên gia đình.
"Những ngày này ráng tăng ca để 28 Tết về quê có thêm chút tiền cho mấy đứa cháu nhỏ "xả láng" với quần áo mới" - ông Nguyễn Văn Hạp nói về động lực "cày" đêm giáp Tết của mình.
Bình luận (0)