Ngày 12-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp bàn về việc bồi thường thiệt hại do tàu cá vỏ thép vừa đóng mới theo Nghị định 67/CP đã bị hư hỏng giữa các ngư dân địa phương và đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng).
Ngư dân đòi đưa vụ việc ra tòa
Trước yêu cầu bồi thường thiệt hại gần 36,6 tỉ đồng của các ngư dân là chủ 14 tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, đại diện Công ty Nam Triệu nói xin chia sẻ với các chủ tàu bị thiệt hại, song mức yêu cầu bồi thường của các chủ tàu không hợp lý. Do đó, công ty chỉ thống nhất hỗ trợ lương thuyền viên 30 triệu đồng/tàu; lãi suất vay ngân hàng (1%/tháng) tính từ lúc kéo tàu lên đà sửa chữa đến khi hoàn thành; chi phí neo, đậu 5 triệu đồng/tàu; chi phí hỗ trợ dầu đi đến nơi sửa chữa 20 triệu đồng/tàu. Đối với các khoản khác, Công ty Nam Triệu sẽ xem xét dựa trên cơ sở chứng từ do chủ tàu cung cấp.
Với mức hỗ trợ khá thấp so với yêu cầu bồi thường, phần lớn các chủ tàu không chấp nhận phương án trên của Công ty Nam Triệu. "Ngoài khoản thu nhập trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa, hầu hết các khoản tôi kê ra đều hợp lý và dựa trên thiệt hại có thật. Tàu tôi nằm bờ 4 tháng với chi phí thuê bãi neo đậu 120 triệu đồng là có thật, vậy mà họ chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng là không thể chấp nhận" - ông Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ; chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS) bức xúc.
Trước đó, tại cuộc họp vào chiều 9-1 cũng do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tổ chức về yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 9 tỉ đồng của các ngư dân, 4/5 chủ tàu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) đã thống nhất ký vào biên bản với mức hỗ trợ trong khoảng thời gian từ lúc tàu được đưa lên đà sửa chữa đến lúc hạ thủy. Theo đó, Công ty Đại Nguyên Dương sẽ hỗ trợ một số chi phí: neo đậu 5 triệu đồng/tàu; nhiên liệu 15 triệu đồng/tàu; thuê thuyền viên 36 triệu đồng/tàu; thiết kế 25 triệu đồng/tàu; lãi suất ngân hàng 1%/tháng. Đối với các khoản tổn thất, thiệt hại từ khi tàu hạ thủy đến lúc bắt đầu đưa lên đà sửa chữa, 2 bên sẽ thỏa thuận sau.
Riêng ông Nguyễn Văn Lý (ngụ ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), chủ tàu BĐ 99004 TS, không chấp nhận mức hỗ trợ trên. "Tàu tôi hư hỏng, nằm bờ gần cả năm, gây thiệt hại hơn 1,6 tỉ đồng mà Công ty Đại Nguyên Dương chỉ hỗ trợ 61 triệu đồng. Tôi sẽ đưa vụ việc này ra tòa" - ông Lý khẳng định.
Tiếp tục đổ lỗi cho ngư dân
Lý giải về mức hỗ trợ bèo bọt như trên, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho rằng việc bồi thường cho ngư dân phải dựa trên cơ sở hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên. "Trong quá trình khắc phục, sửa chữa tàu hư hỏng, Công ty Nam Triệu đã hỗ trợ cho ngư dân nhiều rồi, nay chúng tôi chỉ xem xét hỗ trợ những khoản thiệt hại có tình, có lý. Các chủ tàu phải có chứng từ đầy đủ, hợp lệ thì mới có thể xem xét giải quyết được" - ông Hùng nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, cho rằng các khoản mà chủ tàu đã thống kê để yêu cầu bồi thường là "hơi quá" nên chỉ đồng ý hỗ trợ một số mục. Chẳng hạn trường hợp ngư dân Võ Tuân (ngụ xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ), chủ tàu BĐ 99018 TS, yêu cầu hỗ trợ tiền thuê thuyền viên trong một tháng, trong khi tàu nằm bờ là không hợp lý. "Tàu hư hỏng không phải lỗi của đơn vị đóng tàu. Khi chúng tôi nhận đóng tàu là tàu lưới vây nhưng nhận tàu về, ngư dân thấy không khai thác được nên tự ý chuyển qua tàu lưới chụp. Ngoài ra, việc chậm trễ sửa chữa là do phía ngư dân không chịu hợp tác" - ông Nguyên phân bua.
Ông Trần Minh Vương (ngụ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), chủ tàu BĐ 99027 TS, cho biết ông cùng 3 ngư dân khác chỉ đồng ý ký thỏa thuận hỗ trợ với Công ty Đại Nguyên Dương kể từ khi tàu được kéo lên đà sửa chữa đến lúc hạ thủy. "Riêng các khoản thiệt hại trước đó trong thời gian đánh bắt bị hư hỏng và nằm bờ chờ sửa chữa, 2 bên vẫn chưa thống nhất. Đợi cuộc họp vào tuần sau chúng tôi mới bàn tới chuyện này" - ông Vương cho hay.
Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, thiệt hại do tàu của ngư dân nằm bờ thời gian dài là có thật. Trong khi đó, các đơn vị đóng tàu chỉ dùng từ "hỗ trợ" là không hợp lý. "Cứ ngồi trong cuộc họp mà tranh luận thì không giải quyết được gì. Chi phí neo tàu của ngư dân lúc tàu hư hỏng đã có giá cố định rồi, ai cũng biết. Vậy nhưng đơn vị đóng tàu chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với khoản ngư dân bị thiệt hại thực tế" - ông Tân nói.
Hướng dẫn ngư dân khởi kiện
Trong quá trình điều hành các buổi làm việc với nội dung trên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc đề nghị các ngư dân và đơn vị đóng tàu cần xem xét yêu cầu bồi thường cũng như hỗ trợ các khoản sao cho hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, giữa 2 đơn vị đóng tàu và phần lớn ngư dân vẫn bất đồng ý kiến.
Ông Đặng Thành Thái, Chủ tịch Hội Luật gia Bình Định, cho biết theo quy định của pháp luật, các đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong quá trình tàu nằm bờ do hư hỏng, như tiền trả ngân hàng, tiền thu nhập thất nghiệp... "Nếu các chủ tàu không thống nhất mức bồi thường, hỗ trợ của các đơn vị đóng tàu thì họ có quyền đưa vụ việc ra tòa. Hội Luật gia Bình Định sẽ hướng dẫn các ngư dân làm thủ tục khởi kiện" - ông Thái khẳng định.
Bình luận (0)