Ngày 17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 10) thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Gần 4 năm và qua 12 lần dự thảo, Nghị định 10 (có hiệu lực từ ngày 1-4) "chốt" nhiều điểm mới rất đáng chú ý, đặc biệt là những quy định liên quan đến quản lý taxi truyền thống và taxi công nghệ gây tranh cãi mấy năm qua.
Không buộc taxi gắn hộp đèn
Đáng chú ý là theo giải thích từ ngữ tại Nghị định 10, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng xe có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính cước vận chuyển hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước.
Một điểm mới khác là Nghị định 10 cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI", hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Nghị định 10 không bắt buộc taxi truyền thống và taxi công nghệ gắn hộp đèn trên nóc xe
Cụ thể, tại điểm b, khoản 1, điều 6 của Nghị định 10 quy định: Ôtô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (bao gồm taxi thanh toán bằng đồng hồ và taxi có sử dụng công cụ thanh toán, kết nối bằng ứng dụng điện tử) được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe, với kính thước tối thiểu là 12 cm x 30 cm, hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 6 cm x 20 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI".
Đối với loại hình taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), nghị định quy định trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Phần mềm tính tiền phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển.
Nghị định cũng quy định trường hợp ôtô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó.
Grab "thoát" hộp đèn "taxi
Trong khi đó, đối với loại xe hợp đồng điện tử, Nghị định 10 không bắt buộc phải gắn hộp đèn, thay vào đó dán cố định phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và niêm yết các thông tin khác trên xe .
Cụ thể, tại điểm a, điều 7 của nghị định quy định dán cố định phù hiệu "xe hợp đồng" trên kính phía trước và kính phía sau xe. Phù hợp làm bằng vật liệu phản quang, kích thước tối thiểu của cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" là 6 cm x 20 cm.
Nghị định cũng bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải có giao diện phần mềm cung cấp cho hành khách hoặc người thuê vận tải phải thể hiện đầy đủ các thông tin về tên hoặc biểu trưng (logo), số điện thoại để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp của đơn vị kinh doanh vận tải. Tài xế xe kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có trách nhiệm cung cấp các thông tin của hợp đồng điện tử cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đánh giá Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 có tầm ảnh hưởng và tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. Đó là nghị định được xây dựng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không tránh khỏi xung đột lợi ích đối với vận tải truyền thống. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo nghị định, Bộ GTVT đã nghiên cứu kỹ, tổ chức nhiều hội thảo và cầu thị tiếp thu ý kiến của bộ, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp vận tải.
Cũng theo ông Ngọc, điểm mới của nghị định thay thế Nghị định 86 tập trung vào hai nội dung: Thứ nhất, tạo khung pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải. Thứ hai, đưa ra khuôn khổ pháp lý để siết chặt hơn hoạt động vận tải, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng "xe dù, bến cóc".
"Để làm được tất cả các điều trên, quan điểm chỉ đạo là phải tuân thủ nghiêm thượng tôn pháp luật, bám sát những quy định trong Luật Giao thông đường bộ và các luật khác. Bên cạnh đó, cũng nói không với quan điểm "không quản được thì cấm", mà làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm" - ông Ngọc nói.
Dù vậy, với quy định mới về gắn hộp đèn, phù hiệu, giới chuyên môn cho rằng nghị định mới có lợi cho các hãng taxi công nghệ và "cuộc chiến" giữa loại xe này với taxi truyền thống khó tránh khỏi chuyện tiếp diễn.
Xe trên 9 chỗ phải lắp camera giám sát
Đối với nội dung liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông, Nghị định 10 quy định trước ngày 1-7-2021, ôtô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả tài xế) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Bình luận (0)