xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tay ngang làm điện gió

Bài và ảnh: Ca Linh

Bà con đặt sản xuất máy móc gì là ông Lê Hữu Bá mày mò làm cho bằng được. Dần dần, ông hình thành nên xưởng cơ khí quy mô

Khởi nghiệp từ việc sửa chữa máy móc rồi làm cơ khí, dù không có kinh nghiệm về điện nhưng ông Lê Hữu Bá (61 tuổi; ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã tự mày mò chế tạo ra sản phẩm tạo điện từ gió để phục vụ nhu cầu tưới tiêu của gia đình.

Rất tiện lợi

Ông Lê Hữu Bá vốn là một thợ cơ khí lâu năm. Ông mở xưởng cơ khí ngay tại nhà. Khoảng một năm trước, ông mua khu vườn diện tích hơn 2.000 m2 ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Khu vườn này trồng cây ăn trái nhưng do không có điện nên không thể sử dụng máy bơm nước để tưới cây.

"Khi tưới cây, tôi phải mướn máy bơm. Thuê người tưới một lần như vậy tốn khoảng 300.000 đồng. Một tháng phải thuê 4 lần nên rất tốn tiền. Tôi xin kéo điện nhưng khó khăn quá, do vị trí khu vườn ở khá sâu, điện kéo tới cũng yếu nên không bơm nước nổi. Tôi định làm điện mặt trời nhưng giá cao nên nghĩ ra việc làm điện gió thử xem sao" - ông Bá kể.

Nhờ con trai dạy cách sử dụng internet, ông Bá lên mạng xem những clip về điện gió ở các nhà máy lớn, cách lắp ráp tua-bin phát điện... Xem là một chuyện nhưng bắt tay vào làm là một thử thách đối với người thợ cơ khí này.

"Máy móc cơ khí mà dân ở đây sử dụng thì tôi biết làm, biết sửa hết, không ngán gì cả nhưng nói về điện thì... bó tay. Dù vậy, tôi vẫn mày mò. Tôi tự đúc khuôn làm thành cánh quạt nhưng ban đầu làm ra thì nó quay chậm hoặc không quay, phải sửa tới sửa lui nhiều lần. Bỏ mất mấy chục cái, tốn gần 20 triệu đồng thì mới có cánh quạt quay được như hiện nay" - ông Bá cho biết.

Riêng về tua-bin, người thợ này cũng thừa nhận ông "mù tịt". Lúc lên mạng xem, thấy mấy nơi rao bán tua-bin nên ông mua về nhưng đều sử dụng không được bao lâu, lại phải mất thêm một mớ tiền.

"Tua-bin tôi mua qua mạng internet đến mấy chục cái nhưng sử dụng không được, vài bữa là hỏng. Từ đó, tôi tự lục lọi, mua vật liệu riêng và dây điện về đấu nối. Tôi có hỏi một anh thợ điện làm như vậy được không thì anh này bảo không được, vậy là tôi lại tự mày mò làm. Cuối cùng, khi tôi cho thử đèn led thấy nó sáng, mừng hết sức" - ông khoe.

Toàn bộ thiết bị điện gió của ông Bá gồm 8 cánh quạt kiểu cong, chất liệu nhựa PPC (mỗi cánh dài 1,2 m), trụ làm bằng sắt loại dày cao 12 m. Tính hết chi phí, bộ sản phẩm này khoảng 25 triệu đồng để cho ra công suất 1 KW điện (nếu có gió thì trong 1 giờ sinh ra 1 KW). Thế nhưng, để có sản phẩm hoàn chỉnh như hiện nay, ông Bá đã bỏ thời gian khoảng 1 năm và tốn gần 70 triệu đồng mua thiết bị thử nghiệm.

Quy trình phát điện từ hệ thống này được ông Bá chỉ tường tận cho chúng tôi: Sức gió biến động năng thành cơ năng vô cánh quạt, làm cánh quạt quay. Từ đó, tua-bin phát ra điện 3 pha, bộ điều khiển sạc chuyển đổi từ AC (dòng điện xoay chiều) sang DC (dòng điện một chiều) rồi nạp vào bình ắc quy trữ lại. Sau đó, chuyển đổi từ 12V ra 220V để phù hợp với thiết bị điện gia dụng. Điều quan trọng nhất trong hệ thống này là thiết kế và chỉnh bộ tăng tốc sao cho khi cánh quạt quay nhẹ vẫn tạo ra điện.

Theo ông Bá, làm điện gió rất tiện lợi vì ban đêm hay trời mưa bão vẫn có gió. Khi trời ngưng gió thì điện đã lưu trữ trong bình ắc quy nên vẫn sử dụng được các thiết bị điện như bình thường.

Tay ngang làm điện gió - Ảnh 1.

Ông Lê Hữu Bá thoải mái tưới vườn cây ăn trái từ nguồn điện gió mà ông mày mò tạo ra

Vừa thực hành vừa học thêm

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bá tham gia công tác ở địa phương. Do cuộc sống khó khăn, ông phải xin nghỉ để đi làm thuê cho các ghe cào trên sông. Trong thời gian này, máy trên nhiều ghe bị hư, ông đến xem người ta sửa rồi học hỏi, dần dần tham gia sửa chữa.

"Hồi đó, có người nói rằng tôi sửa máy giỏi sao không lên trên bờ mở tiệm mà làm. Đắn đo mãi rồi tôi cũng quyết định lên bờ mở tiệm chuyên sửa chữa máy móc. Nói là tiệm nhưng thật ra chỉ là một cái chòi nhỏ, tôi vừa thực hành vừa học hỏi thêm. Được một thời gian, thấy công việc thuận lợi, tôi mạnh dạn đầu tư và chuyển dần sang sản xuất các loại như máy tiện, máy ép gạch... Người ta đặt máy gì nếu không có phụ tùng thì tôi lên

TP HCM mua rồi về lắp ráp, bán. Dần dần, tôi hình thành nên xưởng cơ khí quy mô như bây giờ" - ông Bá tư lự, ngẫm về quá khứ vất vả.

Từ khi có điện gió, một tuần ông Bá từ TP Cần Thơ chạy xuống vườn vài lần để tưới cây, đỡ chi phí thuê mướn nhân công. Với công suất của sản phẩm tạo điện gió này, ông có thể bơm nước tưới cây liên tục trong 3 giờ/lần. Riêng với đèn lấy ánh sáng và quạt máy thì có thể sử dụng tới 10 giờ. Các vật dụng như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện..., ông Bá kể từ ngày có điện gió là xài... vô tư.

Những người dân quanh vùng nhận xét sản phẩm tạo điện gió của ông Bá có tính ứng dụng thực tiễn rất cao, nhất là trong thời điểm nhà nước khuyến khích phát triển năng lượng sạch.

"Nếu gia đình nào chỉ có nhu cầu sử dụng điện khoảng 300 KW/tháng thì đây là lựa chọn tối ưu vì cũng tiết kiệm được mỗi tháng ít nhất trên dưới 1 triệu đồng. Nếu đầu tư 1 lần 25 triệu đồng, hệ thống điện gió này sử dụng trong thời gian ít nhất 10 năm, như vậy tiết kiệm tiền điện được khoảng 100 triệu đồng" - ông Bá đoan chắc và khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến để hoàn thiện sản phẩm của mình vì cánh quạt bằng nhựa PPC không dùng được lâu. Ông sẽ làm cánh quạt bằng nhựa composite và nâng công suất cao hơn để ngoài việc tưới vườn thì còn phục vụ tốt hơn như cầu sử dụng trong gia đình.

Sẽ tiếp tục cải tiến

Ông Lê Hữu Bá nói về công việc mà ông từng dành trọn tâm huyết: "Gia đình tôi mỗi tháng tiền điện hơn 10 triệu đồng do nhà có 6 cái máy lạnh, thêm xưởng cơ khí. Tôi đang cải tiến hệ thống điện gió để tăng công suất lên 10 KW dùng trong hộ gia đình để trước hết là đỡ tiền điện".

Kể từ khi ông Bá hoàn thành sản phẩm tạo điện từ gió, tin lan truyền ở nhiều nơi. Nhiều người tìm đến tận vườn xem rồi đặt hàng cho ông sản xuất với công suất lớn hơn. Có người ở tận Hà Nội, Long An, Đồng Nai do không biết nơi ở của ông Bá nên đã đến tận UBND xã Tân Hòa xin số điện thoại liên hệ.

"Một người ở Long An đã lắp hệ thống điện mặt trời với công suất 78 KW nhưng vẫn nhờ người xuống tìm tôi đặt lắp thêm điện gió. Lãnh đạo UBND xã Tân Hòa cho biết nhiều người dân cũng muốn gắn điện gió để tưới tiêu, kêu tôi lắp ráp nhưng tôi chưa nhận lời ngay vì đã lỡ hợp đồng đang làm cho người khác và còn phải dành thời gian để nghiên cứu, cải tiến cho hoàn chỉnh hơn. Sắp tới, con tôi sẽ gắn hệ thống tưới tự động trong vườn và camera quan sát. Ở nhà chỉ cần mở lên xem nước có bơm lên tưới cây được hay không. Sẵn đó, mình quan sát vườn nhà, khỏi tốn thời gian chạy đường xa lên xuống" - ông Bá hào hứng. 

Chỉ học hết lớp 12 nhưng nhờ chịu khó học hỏi, ông Lê Hữu Bá đã làm ra được ra một sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, khiến nhiều người nể phục.

Hỗ trợ để sản phẩm hoàn thiện

Ông Võ Quốc Hùng, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhận xét: "Sáng chế điện gió của ông Lê Hữu Bá có tính ứng dụng rộng rãi. Tôi đã hướng dẫn ông ấy qua Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đăng ký bản quyền. Đồng thời, Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng nhờ Khoa Công nghệ Trường ĐH Cần Thơ cùng một số doanh nghiệp cơ khí hỗ trợ về kỹ thuật để sản phẩm của ông Bá hoàn thiện hơn, có hiệu quả cao nhất".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo