Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố về quý I/2019: lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của nước ta là 48,8 triệu người. Lao động giản đơn thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động tại Việt Nam, chiếm 35,0%. Tỉ lệ người làm các công việc giản đơn còn cao trong bối cảnh đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ trình độ sơ cấp nghề trở lên) cho người lao động còn thấp (khoảng 22,5% đối với lực lượng lao động và 22,2% đối với lao động có việc làm). Những số liệu trên phản ánh khá rõ bức tranh lao động hiện tại của quốc gia và không dễ thay đổi trong thời gian gần.
Câu chuyện nâng chất lượng của đội ngũ lao động đã được đặt ra từ nhiều năm và đây là một phần trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Trường nghề đã được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều thuộc mọi trình độ, đặc biệt chúng ta đã hợp tác với các nước có nền công nghệ, kỹ thuật cao để dạy nghề như: Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Úc, Anh... Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để nâng tầm lực lượng lao động trong bối cảnh nền kinh tế còn nặng gánh với các ngành thâm dụng lao động. Chúng ta buộc phải phát triển những ngành nghề này để giải quyết vấn đề cấp bách hơn là tỉ lệ người thất nghiệp và vực dậy kinh tế của các địa phương mà hầu hết là còn nghèo. Nhiều năm qua, chỉ số giải quyết việc làm đóng vai trò quan trọng "thành tích" của các địa phương. Chậm chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế thì lực lượng lao động cũng chậm thay đổi theo, đơn giản vì mục tiêu chính của người lao động vẫn là tìm việc làm để trang trải cuộc sống.
Không thể trì hoãn, nâng chất lượng lao động là tất yếu nếu không muốn nền kinh tế ngày càng lạc hậu. Bấy lâu nay, trách nhiệm này dường như được đẩy hết cho cơ quan nhà nước, trong khi đối tượng hưởng lợi từ việc nâng cao tay nghề thì rất nhiều.
Trước hết là chính doanh nghiệp: có lực lượng lao động tốt thì sẽ có chất lượng sản phẩm tốt, năng suất cao, lợi nhuận lớn. Vậy thì không lý do gì doanh nghiệp lơ là với việc đào tạo lao động của mình và chỉ muốn chăm chăm hưởng thụ thành quả đào tạo của người khác. Thật ra, cốt yếu ở tầm nhìn ngắn hạn và muốn thu lợi nhuận nhanh. Bởi vậy, những doanh nghiệp đầu tư bài bản để nâng chất lượng lao động hầu hết là các doanh nghiệp lớn, tên tuổi trong các ngành điện tử, ôtô, khách sạn, công nghệ... Với chế độ lương, thưởng và đãi ngộ hiện tại cũng khó có doanh nghiệp "ăn xổi ở thì" nào có thể lôi kéo được lao động của họ.
Kế đến chính là người lao động: tay nghề tốt thì thu nhập tốt, việc làm càng ổn định. Quan trọng hơn, có tay nghề sẽ có nhiều cơ hội thay đổi hoàn cảnh, nâng chất lượng cuộc sống và ít bị tác động bởi những rủi ro từ xã hội.
Nâng chất lượng lao động quyết định đến sự thịnh vượng của quốc gia, của doanh nghiệp và của chính từng người lao động nên ai đứng ngoài sẽ dần bị đào thải.
Bình luận (0)