Những ngày đầu tháng 3-2019, vừa vào mùa khô nhưng người dân ở Tây Nguyên đã phải gồng mình chống hạn. Không chỉ khan hiếm nguồn nước để tưới cây trồng, nhiều vùng cũng cạn dần nguồn nước sinh hoạt.
Mùa mưa kết thúc sớm
Tại các huyện phía Bắc của tỉnh Đắk Nông như Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil... do mùa mưa dứt sớm so với trung bình nhiều năm đã gây ra thiệt hại khá nặng cho nông dân, nhất là đối với những hộ dân trồng các loại cây ngắn ngày, phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên.
Tại Lâm Đồng, người dân vất vả chống hạn cho cây trồng Ảnh: ĐÌNH THI
Bà Lê Thị Lai (ngụ xã Nam Dong, huyện Cư Jút) cho biết gia đình trồng gần 2 ha đậu nành xen dưới vườn cao su 2 năm tuổi. Năm nay mưa ngưng sớm nên đậu bị chín ép, năng suất chỉ bằng 70% so với mọi năm. Còn theo ông Nguyễn Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), hơn 60 ha lúa vụ đông xuân tại cánh đồng Đắk Rền đang có nguy cơ chết khô do thiếu nước tưới. Mực nước sông Krông Nô hiện xuống quá thấp, miệng hút của các trạm bơm không với tới để đưa nước lên đồng.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk, anh Hà Văn Trung (ngụ thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) cho biết gia đình có 1,3 ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Thời gian qua khô kiệt, thiếu mưa nên hiện anh đã phải tưới 4 đợt. "Các năm trước, gia đình tôi tưới khoảng 4 - 5 đợt là vừa đến mùa mưa nhưng năm nay nắng gắt nên cây trồng héo rũ, dự tính phải tưới 8 - 9 đợt mới qua được mùa nắng" - anh Trung nói.
Ghi nhận tại xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nhiều hộ dân có vườn trên cao phải đi mua nước để tưới cà phê với giá hơn 20.000 đồng/giờ. "Nhà không có điều kiện đào ao nên mỗi năm phải đi mua nước của các hộ xung quanh, giá khá cao trong khi giá cà phê xuống thấp, khó khăn chồng chất thêm. Hiện nay gia đình tôi đã tưới đợt 2, hơn 4 ha cà phê trong vòng 20 ngày đầu năm phải tốn hơn 10 triệu đồng để cứu hạn" - anh Phạm Hoàng Minh, nông dân xã Tân Thượng, lo lắng.
Mới vào đầu mùa khô, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhiều nơi đã xảy ra tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng. Gia đình ông Lê Đình Thiềm (ngụ xã Dun, huyện Chư Sê) cho biết các năm trước, tưới cả ngày không hết nước. Nhưng đến năm nay, mới vào đầu mùa khô, nước đã cạn. Riêng vườn cà phê hơn 2 ha của gia đình anh Rơ Chăm Jiếp (ở làng Tốt, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đã bị héo úa, rụng lá vì thiếu nước tưới. "Từ đợt tưới đầu tiên, gia đình tôi phải chia nhau túc trực khi nào có nước là tưới ngay. Giờ tưới lần 2 thì giếng, suối đều đã cạn nên phải thuê người đến vét giếng mới mong có nước" - anh Jiếp than thở.
Nguy cơ cạn nước hồ chứa
Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm hơn trung bình mọi năm khoảng 1 tháng nên nhiều hồ chứa không đạt dung tích. Trong số 246 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk quản lý (chủ yếu là các hồ chứa lớn) thì đến ngày 22-2 đã có 7 hồ cạn nước, 46 hồ đạt lượng nước dưới 50%.
Tương tự, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có gần 220 hồ chứa, hơn 86 đập dâng. Mùa khô 2018 - 2019, mực nước các hồ chứa trung bình thấp hơn cùng kỳ năm trước hơn nửa mét. Mực nước của một số công trình thủy lợi lớn được xem là trọng điểm giúp người dân giải hạn như hồ Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh), Đắk G’Long Thượng (huyện Bảo Lâm), Ka La (huyện Di Linh), Đankia - Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt)… đều ở dưới mực nước dâng bình thường 2 - 3 m.
Khốc liệt nhất là các khu vực có người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà và một phần xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh không những bị thiếu nước tưới cây trồng mà còn thiếu nước sinh hoạt.
Ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho hay để đối phó với tình hình nắng hạn đang diễn ra, ngoài việc chủ động điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý các công trình thủy lợi, hồ chứa thì địa phương đang vận động người dân cắt bỏ bớt cành cà phê phủ gốc để giữ ẩm cho cây. "Theo đề án hỗ trợ đào ao, hồ của tỉnh Lâm Đồng phục vụ việc chống hạn cho cây trồng, huyện đã hỗ trợ người dân đào hơn 100 ao, hồ với nguồn kinh phí hơn 1 tỉ đồng; đồng thời tiến hành sửa chữa, gia cố hồ, đập để tiếp tục tích trữ nước phục vụ mùa khô hạn năm nay" - ông Minh thông tin.
Những tháng tới càng khốc liệt
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, dự đoán tình trạng thiếu hụt nước so với trung bình nhiều năm trong các tháng mùa khô tại tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, nguồn nước thiếu hụt nặng nhất là tháng 3, 5, 6. Trong tháng 3, diện tích hạn sẽ mở rộng hơn và có thể chiếm 60% toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, cho rằng do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. Trong đó, một số hồ chứa chưa kịp tích đủ nước bị thiếu hụt nước tưới. Để bảo đảm nước tưới cho người dân, các nhà quản lý cần có cơ chế vận hành hợp lý.
Bình luận (0)