Tuần qua, sau thông tin gần 400 tên đường ở TP HCM cần đổi do trùng hoặc nhầm tên, Báo Người Lao động vào cuộc tìm hiểu trên diện rộng, từ đó có bài viết phản ánh hệ lụy của việc trùng tên, nhầm tên, tên chưa được cập vào dữ liệu...
Một trong nhiều hệ lụy, bất cập ấy là người dân địa phương không biết hoặc chỉ "mang máng hiểu" địa danh, sự kiện hay danh nhân, nhà cách mạng... được đặt tên cho con đường nơi họ sinh sống.
Mã QR gắn trên mỗi bảng tên hỗ trợ tra cứu thông tin nhưng nó không có tác dụng với những ai thiếu kiên nhẫn tìm hiểu vì không mang tính trực quan. Những em nhỏ lại càng không thể có riêng điện thoại để quét mã, về mặt nào đó, bị thiệt thòi trong tiếp cận kiến thức ngay trên đường phố.
Khối đá hoa cương khái quát sự nghiệp của ông Lê Văn Khương nằm trên đường mang tên ông tại quận 12
Nên chăng, bên cạnh việc đổi tên đường cho chính xác, khoa học mà cơ quan chức năng đang tiến hành, cần tính đến việc đưa vào quy định đầu mỗi đường phố có một bảng xinh xắn (hoặc trụ) khái quát thành tựu của danh nhân, nhà cách mạng hoặc sự kiện lịch sử (Bạch Đằng, Chi Lăng…).
Với riêng điều ấy, chúng ta không lãng phí một tài nguyên lớn về cung cấp kiến thức lịch sử, những đóng góp của người có công, tri thức văn hóa nghệ thuật cũng như cách thức tạo ra cho địa phương mình nét riêng lôi cuốn. Khách du lịch sẽ hào hứng, người dân tự hào hơn nơi mình ở, học sinh thêm một kênh học tập… là những lợi ích có thể nhìn thấy từ bây giờ.
Theo tìm hiểu, quận 12 đã áp dụng điều trên với đường Lê Văn Khương, hằng ngày, khá nhiều người thích thú tìm đọc. Tuy vậy, để việc này phổ biến hơn thì cần quy định chung cấp thành phố.
Người viết cho rằng trong dịp đổi tên đường, phương án ấy cần được tính tới với thái độ nghiêm túc nhất.
Bình luận (0)