Từ mùng 2 Tết (2-2), các ngả đường ở TP Đà Lạt đã động nghẹt người, xe. Phòng nghỉ ở khách sạn phải đặt một tháng trước. Tiền xe, tiền phòng, tiền ăn đều tăng giá, có nơi tăng đến 100%. Nơi du xuân cũng loanh quanh những điểm quen thuộc: vườn hoa, các con đường có mai anh đào nở, quanh bờ hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hàng quán dọc phố chợ, nhà hàng, quán cà phê… nhưng đâu đâu cũng tấp nập, cũng thấy vẻ mặt nao nức đón xuân.
Những điểm tham quan nổi tiếng với các di tích lịch sử hay di sản kiến trúc của Đà Lạt, do ảnh hưởng dịch bệnh vẫn chưa được phép mở cửa. Dường như chỉ có Ga Đà Lạt mở cửa đón khách.
Ga Đà Lạt được thiết kế với phong cách độc đáo của những kiến trúc sư tên tuổi người Pháp. Lịch sử nhà ga ghi lại: Hai nhà thiết kế Moncet và Reveron đã lấy ý tưởng từ hình ảnh dãy Langbiang hùng vĩ. Nhà ga có hình dáng đặc trưng với 3 chóp nhọn, phía trước còn có mặt đồng hồ rất to. Trên đồng hồ ghi lại thời gian bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt. Nhà ga Đà Lạt là công trình cổ với năm cái nhất: Nhà ga cao nhất, nhà ga đẹp nhất, nhà ga cổ nhất - cùng với nhà ga Hải Phòng, nhà ga có đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất Việt Nam và nhà ga độc đáo nhất.
Sáng mùng 4 Tết (4-2), Ga Đà Lạt rất đông du khách. Nắng đẹp, trời lành lạnh nên mọi người cứ nấn ná hết chụp ảnh đến xếp hàng cho họa sĩ vẽ chân dung trên mặt gỗ chỉ trong 10 phút hay mua hoa, quà lưu niệm…
Khóm hoa, những toa tàu đứng yên, đầu máy chạy hơi nước cũ kỹ, đường ray, sân ga…đi vào những bức ảnh và cũng có lẽ đi vào ký ức của du khách - những ký ức khó quên sau một thời gian dài được tự do đi lại, được hưởng một cái Tết khá trọn vẹn trong điều kiện bình thường mới.
Một số hình ảnh tại Ga Đà Lạt sáng mùng 4 Tết Nhâm Dần.
Bình luận (0)