xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết của tôi, ở Chợ Lớn

LÊ VĂN NGHĨA

DỄ GÌ LŨ TRẺ CON TÔI được ra chợ Sài Gòn để mua sắm Tết. Cùng lắm là chỉ đi rảo quanh chợ Sài Gòn, đối diện Công viên Quách Thị Trang, "nghía" mấy cái gian hàng mứt Tết, nhìn người Sài Gòn sang trọng đi sắm Tết là thỏa mãn ước mơ. Rồi lũ trẻ chúng tôi quay về xóm nghèo Chợ Lớn để ăn Tết.

Tết đối với lũ trẻ nghèo chúng tôi là gì? Đó là được bộ quần áo mới mà má tôi đã mua ở những tay hàng xách, bán đổ đống trước cửa chợ Bình Tây bắt đầu từ tháng chạp. Nơi quy tụ các bà, các cô…, những người mẹ nghèo muốn cho con mình xúng xính cái quần lành lặn đón năm mới cho khuôn mặt trẻ thơ được rạng rỡ trong những ngày đầu Xuân. Tuổi thơ chúng tôi không cần quần áo xịn. 

Chúng chỉ cần quần áo mới. Vui nhất là những đứa bé khóc thét khi mẹ chúng ngang nhiên lột hết bộ quần áo cũ quen thuộc đang mặc để bắt thử đủ kiểu quần áo trước khi kỳ kèo trả giá mua bộ rẻ nhất. Người bán hàng vẫn luôn vui miệng rao hàng, không chút phàn nàn khi thấy các bà mẹ xào xáo đống quần áo. Họ cũng hiểu với số tiền nhỏ, người mẹ nào chẳng muốn mua cho con bộ quần áo đẹp nhất, tân thời nhất. Biết đâu bộ quần áo này vẫn còn có thể giữ lại cho những đưa con nhỏ hơn vào Tết năm sau...

Tết của tôi, ở Chợ Lớn - Ảnh 1.

Ảnh: Hoàng Triều

Tết dù ở Sài Gòn hay Chợ Lớn vẫn là màu sắc. Màu sắc từ ánh đèn đến những mảnh giấy màu, trang kim từ những sạp nhỏ cho đến lớn chung quanh mặt tiền chợ Bình Tây. Màu sắc đến từ những khu hàng bán thiệp Xuân. Đủ các loại thiệp của nước ngoài và Việt Nam. Mỗi loại thiệp đều có sắc màu thâm trầm nhưng rực rỡ của Xuân. Màu vàng của mai, của cúc. Màu đỏ của đào, của hồng - những màu sắc đặc trưng cho Tết. Nghệ thuật nhất là những thiệp vẽ tay mà bây giờ những người sính chữ nước ngoài gọi là hand-made. Thiệp vẽ tay có nhiều lợi điểm như nhiều màu, còn có thêm kim tuyến rực rỡ và giá cũng tương đối bình dân.

Bên cạnh những gian hàng thiệp Xuân là những gian hàng bán lịch - một sắc thái đặc biệt của chợ Tết những năm đó. Những hàng số niên lịch, những dòng chữ Xuân Ất Tỵ, Quý Mùi, Cung chúc tân Xuân đỏ rực hoặc nhũ vàng lóng lánh trên những bìa cứng hồng điều. Ngoài các loại lịch sản xuất trong nước còn có nhiều lịch nước ngoài. Đa số là của Hồng Kông in bằng chữ Hoa giá khá đắt nhưng cũng không hiếm người mua vì là của lạ. 

Cạnh các gian hàng bán lịch là khu dành cho những người viết liễn bằng chữ Hoa. Không thể nào tìm thấy hình ảnh này ở chợ Tết Sài Gòn hay những chợ Tết khác. Chợ Lớn là khu vực người Hoa sinh sống khá đông. Có những gia đình đã sống thâm căn cố đế từ thời theo chân Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài đến miền Nam lập nghiệp cho đến bây giờ nên những phong tục ăn Tết của người Hoa vẫn còn được lưu truyền sang nhiều thế hệ. 

Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã nhận xét về phong tục ăn Tết của người Hoa như sau: "Nếu quan sát kỹ thì ta thấy người Tàu không có làm gì hết vào ngày Nguyên Đán, ngoài việc đóng kín cửa lại. Trước đó họ không dọn quét, không có thay những đồ dùng cũ, đồ thờ cúng bằng những món mới hoặc rửa ráy lau chùi những món cũ, không có đánh bóng lư đồng như ta vì họ không có bàn thờ tổ tiên. Họ có thiết lập bàn thờ để cúng kiếng nhưng đó là một chiếc bàn ăn thường, không có đồ thờ như lư đồng, bình hương quý, độc bình quý… Họ đóng cửa như vậy mãi cho tới ngày mùng sáu, mùng bảy rồi từ ngày này họ ăn chơi cực độ đến Tết nguyên tiêu, cũng đi chơi, coi hát, đi tắm biển, nhứt là cờ bạc. Trong nhà họ không còn dấu vết Tết nữa ngoài những lá bùa mới dán ở cửa buồng ở bàn thờ thần tài và thổ thần…".

Tết của tôi, ở Chợ Lớn - Ảnh 2.

Ảnh: Hoàng Triều

TRỞ LẠI CHUYỆN XIN CHỮ THÁNH HIỀN ngày Tết. Nếu ngày xưa, ở Hà Nội ta có những ông đồ ngồi cho chữ thánh hiền rồi một thời gian sau hình ảnh đẹp, mang đầy văn hóa tinh thần đã biến mất mà bây giờ mới được phục hồi thì những người ngồi viết liễn ở Chợ Lớn chưa bao giờ bị mất đi như là một truyền thống đẹp của Tết. Dọc con đường Tháp Mười, Khổng Tử (Hải Thượng Lãn Ông) những cái bàn nho nhỏ, treo đầy liễn đỏ xuất hiện là người ta biết Tết đã về. Những người viết chữ cầu may không mặc áo the, đầu đội khăn đóng - chỉ quần áo bình thường như mọi ngày, bày một cái bàn nhỏ chung quanh treo đầy những tờ giấy hồng điều đã viết sẵn chữ. 

Người mua được quyền chọn khổ giấy to nhỏ rồi người viết liễn sẽ dùng cọ tàu chấm mực đen hay nhũ vàng viết những chữ Hán có nội dung như "Ngũ Phước Lâm Môn", "Phước Lộc Thọ"… để dán trước cửa nhà hoặc chỉ cần một chữ "Phước" ("Phúc") trên mảnh giấy hồng điều để dán lên những trái dưa hấu cầu may. Những gia đình trong xóm tôi dù không phải là người Hoa nhưng gần Tết cũng đi mua về dán trước bàn ông thiên, trước cửa ra vào nhà. Linh thiêng, may mắn không chưa biết nhưng trước hết là có màu sắc rất Tết.

Tết của tôi, ở Chợ Lớn - Ảnh 3.

Ảnh: BÙI ĐĂNG THÀNH

TẾT BẮT ĐẦU TỪ CHỢ. Chính chợ đã tạo nên không khí mua sắm, rạo rực của ba ngày Xuân. Đủ thứ hàng hóa như quầy thực phẩm khô bán lạp xưởng, thịt lạp, mứt gừng, mứt bí, mứt me, thèo lèo - cứt chuột. Những gian hàng bán rượu Tây như Martell, Cognac, Ngũ Gia Bì, Mai Quế Lộ làm những ông khách đi ngang nhìn mà muốn xỉn. Không thiếu những loại hàng hóa khác như quần áo, khăn trải bàn; gian hàng đồ chơi "xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng", những trái cây "cầu, dừa, đủ, xài", dưa hấu, quýt, đu đủ; hoa nhựa, hoa thật như vạn thọ, cúc, mồng gà, hướng dương… đã bao quanh chợ. 

Tiếng rao hàng, trả giá, giành mối, trêu đùa náo nhiệt vô cùng. Ngộ một điều là hễ Tết đến là ai cũng muốn mua sắm đồ mới, thế mà lại có những gian hàng bán đồ cũ, người bán hàng la như hét vào tai: "Đồ sôn đây, mại dô, mại dô, đồ sôn bán rẻ đây" như giành mối với chợ Kim Biên ngay cầu Ba Cẳng. Có lẽ tâm lý chung của mọi người thường cho rằng đồ sôn rẻ mà lại tốt vì là hàng tồn kho, cuối năm các công ty xả kho bán thu hồi vốn nên ai cũng bu vào mua. Hàng sôn "lô can" thường là quần áo, giày và nón. Còn hàng ngoại là mỹ phẩm như dầu thơm, phấn son dành riêng cho phụ nữ mần đẹp ăn Tết.

Vào mỗi tối, tôi cùng một vài thằng bạn xin các chủ hàng cho bán phụ những thứ hàng vật dụng dành cho Tết như bình bông, hoa nhựa, chén, ly, bao lì xì… để kiếm ít tiền xài vì tụi tôi biết những đứa con nít xóm nghèo thì tiền lì xì đâu có bao nhiêu. Chúng tôi cố gắng la thật to theo lệnh của chủ hàng: "Hàng thượng hảo hạng đây, giá rẻ trong ba ngày Tết, mua hai tặng một trả tiền ba đây các chị, các thím ơi…", "Tết đến rồi mua chén ly kiểu Hương Cảng ăn Tết, ngừa bệnh tật, thần tài ghé thăm đê…". 

Mỗi tối kiếm được vài đồng, chúng tôi để dành đợi mùng 1 khai trương đi xem hát bóng ở rạp Phi Long bên Xóm Củi, cải lương Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương ở rạp Tân Bình, Tân Lạc khu cầu Cây Gõ (Bình Tiên), Thủ Đô ở đường Tổng đốc Phương rồi sau đó đi ăn mì hoành thánh, bò viên ở tiệm chú Khầu, cùng nhau đi đánh bầu cua - cá cọp hay đánh bài ké ở những sòng bạc dã chiến chung quanh xóm. Thiệt là "đã đời Vân Tiên!".

Mong Tết và ngán Tết

Rồi những ngày "đã đời Vân Tiên" cũng qua nhanh. Tụi tôi lúc nào cũng thấy Tết ngắn quá, mong đến Tết năm sau. Lại phải đi học, không được nghỉ đi chơi, thả rông chạy nhảy. Hết được người lớn lì xì, hết được uống nước ngọt con cọp thả ga, hết được ăn thịt kho hột vịt béo ngậy. Chúng tôi ngồi ước mơ Tết đến thật nhanh, thật lẹ cho mau lớn để làm những điều như người lớn mà bây giờ còn nhỏ chưa làm được. Tết ơi, mày đến lẹ đi!

Nhưng bây giờ, ở cái tuổi mệt mỏi vì đời, nghe Tết đến là ngán ngẩm. Ngán nhất là phải chồng thêm một tuổi vào cuộc đời nghe tàn cát bụi tháng năm bay…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo