Đó là hàng trăm hộ gia đình di cư từ nhiều nơi đến các lòng hồ thủy điện như: Đa Mi – Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3... trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá bè với ước mong có thêm thu nhập, lo cho con sau này đỡ khổ hơn mình.
Sông nước là nhà
Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi về hồ thủy điện Đa Mi – Hàm Thuận (giáp ranh giữa xã Lộc Nam của tỉnh Lâm Đồng với xã Đa Mi của tỉnh Bình Thuận). Nơi đây cách TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) chừng 60 km nhưng với hơn 5 km đường đất ghồ ghề, đá lổm chồm cùng bụi trắng xóa của thời tiết Lâm Đồng đang vào mùa khô khiến con đường vào "xóm chài" nhỏ càng xa hơn, khó khăn hơn.
Trên những "đảo" nhỏ mà thủy thủy điện chặn dòng đều có người dân mưu sinh.
Hai bên bờ được bao vây bởi hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ nhấp nhô trùng trùng điệp điệp, giữa là hồ nước mênh mông. Đến đây mới cảm nhận rõ phận người trong những ngôi nhà tạm nổi lênh đênh trên mặt hồ thật nhỏ bé với thiên nhiên.
Trước kia, đây là vùng đất sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số như: K’ Ho, Châu Mạ thuộc chi phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. Từ khi thủy điện Đa Mi – Hàm Thuận tích nước, gần hai mươi năm nay đã có hàng trăm người làm nghề cá tụ họp thành xóm chài, nhà nổi để mưu sinh. Chỉ với gần 10 thùng phuy, tre nứa, tôn, ván… họ đã dựng lên một căn nhà vừa là nhà ở, vừa là bè nuôi cá, tôm.
Họ dựng nhà đơn sơ, lênh đênh nay đây mai đó trên khắp lòng hồ.
Ông Đậu Văn Thành (58 tuổi, quê An Giang) mưu sinh trên lòng hồ thủy điện Đa Mi – Hàm Thuận, cho hay ông đã đưa gia đình lên đây gần 10 năm nay vừa khai thác cá tự nhiên trong lòng hồ, vừa nuôi cá Nàng (thác lác vằn). Ông so sánh về những ngày còn rày đây mai đố trên sông La Ngà (tỉnh Đồng Nai) thì cuộc sống bây giờ có phần đỡ hơn. Từ ngày có điện lưới, trên chiếc bè nhỏ lần lượt xuất hiện thêm ti vi, tủ lạnh, dàn karaoke. Thế nhưng, khi chúng tôi đề cập đến chuyện về quê ăn tết, con người hào sảng miền Tây này bỗng dưng chùng giọng: "Dẫu biết mùa xuân là mùa xum vầy cùng gia đình, hàng xóm nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn quá nên chưa thể về được, đành hẹn lại năm sau vậy". Nói rồi ông vẫy tay cái rụp như xua đi điều canh cánh trong lòng bấy lâu. "Các chú vào đây "mần" vài ly với gia đình, có cá tươi siêu sạch từ dưới đáy hồ này thì cũng vui vẻ như tết" - ông nói rồi bước vội vào trong. Chất người miền Tây vẫn giữ trong ông.
Theo nhiều mưu sinh nơi đây, cá nuôi, khai thác ở đây đều bán cho các lái buôn với giá khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg. Những ngày tết thì cá được người dân ưa chuộng hơn nên giá tăng cao khoảng hơn 60.000 đồng/kg nên ai cũng muốn ở lại kiếm thêm thu nhập lo cho con sau này với mơ ước tậu được đất đai trên bờ để dựng nhà và cho con đến trường.
Bấp bênh mưu sinh
Rời khỏi hồ Thủy điện Đa Mi – Hàm Thuận, chúng tôi lại về lòng hồ Thủy điện Ðồng Nai 2 (khu vực nối hai huyện Lâm Hà và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Nơi đây có khoảng 3 xóm chài nhỏ sinh sống, mỗi xóm có từ 10 - 15 hộ dân. Anh Phạm Hoàng Ninh cho biết mình rời khỏi vùng đất miền Tây tới đây, cuộc sống rất khó khăn, bị cô lập nhiều thứ. Đường đi lại khó khăn, nhưng anh em ở đây đồng cảnh ngộ nên giúp đỡ nhau, cùng nhau làm ăn.
Đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2, nhưng những người ở đây vì cuộc mưu sinh, vờ như quên đi sự nguy hiểm. Ông Ba Sanh, một người lớn tuổi ở đây, tâm sự: "Từ khi có nước lòng hồ thủy điện, đã có nhiều người không may bị chết đuối, đánh cá bị lật ghe. Nhưng sống cảnh này, may nhờ rủi chịu thôi".
Hình ảnh chiếc thuyền nhỏ và mảnh lưới luôn gắn liền với cuộc sống của các hộ dân nơi đây.
Chấp nhận xa gia đình để mưu sinh, nhưng cuộc sống người dân các xóm chài trên các lòng hồ cũng lắp bấp bênh. Gia đình ông Chín từ tỉnh Bến Tre lên đây vừa bị mất trắng các bè cá. Theo ông Chín, vào mùa mưa, người ta xịt thuốc trừ sâu cho cà phê, trà trên đồi vừa xong lại gặp mưa nên thuốc trôi hết xuống hồ làm chết cá. "Ở trên bờ còn nói tìm cách chặn được, nhưng dưới nước này đành chịu chứ biết tránh vào đâu" – ông Chín ngậm ngùi.
Công việc kiếm cỏ, cho cá ăn thường lệ của người dân xóm chài trên đập thủy điện.
Giấc mơ cho con đến trường
Khó khăn vớ những người mưu sinh trên lòng hồ Thủy điện Đại Ninh (thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng), cách TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khoảng 50 km. Trong số hàng chục hộ dân nơi đây, hầu hết đều không biết chữ, người giỏi lắm cũng chỉ biết đọc và viết được tên của mình. Chuyện đến trường của trẻ em nơi đây là cả một giấc mơ.
Cái đơm, một dụng cụ bắt cá người dân vùng lòng hồ thủy điện.
Gia đình ông N.V.N, (53 tuổi, quê gốc ở Long An) lên vùng đất Lâm Đồng này gần 10 năm. Gia đình có 9 người, nhưng chỉ có 3 người biết chữ ở mức viết được tên mình. Cô con gái của ông là N.T.Ng, năm nay cũng đã 13 tuổi nhưng chưa một ngày nào đến trường. Và giấc mơ về con chữ của em có thể mãi là giấc mơ khi hàng ngày em vẫn mải miết theo cha mẹ lênh đênh trên con nước. Khi nói về sự học hành của con, ông N nhìn xa xăm với ánh mắt thấm đẫm nỗi buồn: "Gia đình tôi khó khăn quá, hầu hết thời gian phải lênh đênh trên lòng hồ để kiếm miếng cơm, manh áo, nên thời gian dành cho con cái cũng không được nhiều".
Đối với họ khi thu hoạch những mẻ cá tươi đạt năng suất là vui như Tết rồi.
Chúng tôi lại đến nhà anh N.V.L, (30 tuổi, quê Bến Tre). Anh L có một cậu con trai vừa tròn 5 tuổi. Ước mơ duy nhất của người bố trẻ này là con mình được đến trường, không phải mù chữ như cha mẹ của chúng.
Ông Nguyễn Ngọc Huyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), cho biết địa phương có hơn 100 hộ gia đình từ các tỉnh khác đến để mưu sinh bằng nghề đánh bắt và nuôi cá trên thủy điện Đại Ninh. Nắm được tình hình này, thời gian qua chính quyền đã hết sức tạo điều kiện để con em của họ được đến trường nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa thể kham nổi. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là do cuộc sống lênh đênh, nay đây mai đó, họ không sống cố định ở một nơi khiến công tác quản lý về nhân khẩu và chuyện học hành của con em gặp rất nhiều khó khăn" - ông Huyên nói.
Bình luận (0)