Liên quan việc cho thuê khai thác tạm hơn 50 ha dự án Khu Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, TP Hà Nội (Công viên Hà Đông), theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, từ ngày 28-7-2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) Hà Đông có Thông báo số 121/TB-PTQĐ chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng diện tích hơn 70.000 m2 với Công ty TNHH Sản xuất - xuất nhập khẩu Yên Thủy.
Đơn phương "thần tốc"
Đến ngày 4-8-2022, Trung tâm PTQĐ làm việc với 11 đơn vị thuê mặt bằng còn lại. Tại buổi làm việc, chỉ Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông đồng ý thanh lý, 10 nhà đầu tư kia không thuận và đề nghị tiếp tục hợp đồng.
Như vậy, phải sau hơn 1 năm kể từ ngày UBND TP Hà Nội yêu cầu dừng việc tạm khai thác cho thuê mặt bằng (tháng 6-2021) thì Trung tâm PTQĐ Hà Đông mới thu hồi từ 2 đơn vị, được gần 8 ha mặt bằng đất khai thác tạm.
Trong khu vực 52,8 ha, nhiều công trình bị cho là vi phạm, sai mục đích
Ngày 20-10-2022, khu vực nhà xưởng trong khu đất cho thuê khai thác tạm xảy ra hỏa hoạn khiến 1 người tử vong. Ngay trong ngày, Trung tâm PTQĐ Hà Đông hối hả chấm dứt hợp đồng với 1 đơn vị thuê đất. Hôm sau, việc này tái diễn cấp tập với 9 cơ sở còn lại bất chấp sự phản đối gay gắt.
Các đơn vị cho rằng hợp đồng thuê mặt bằng giữa Trung tâm PTQĐ Hà Đông với các nhà đầu tư đang có hiệu lực. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Bà Nguyễn Thị Minh Yến, quản lý tại sân golf Hà Đông thuộc Công ty CP Golf Hà Đông (một trong 12 đơn vị thuê đất), cho biết do không đồng ý với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhiều đơn vị đã gửi đơn khởi kiện đến TAND quận Hà Đông. TAND quận Hà Đông mời các đơn vị cùng Trung tâm PTQĐ Hà Đông hòa giải lần 1 ngày 12-12-2022. Tuy nhiên, phía trung tâm không tham dự.
Gần 2 tháng sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, UBND quận Hà Đông ban hành Kế hoạch 335 đề ngày 5-12-2022 về tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ đạo của thành phố và quận ủy về quản lý khu đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quy hoạch xây dựng Khu Công viên Hà Đông. Một nội dung trong văn bản này là quây hàng rào tôn khu vực đã giải phóng mặt bằng của khu công viên.
Ngay sau khi Kế hoạch 335 ra đời, chính quyền đã cắt nước, cắt điện của các đơn vị. Ngày 10-12-2022, chính quyền lập hàng rào quanh khu vực mặt bằng của các nhà đầu tư, lập chốt kiểm soát hoạt động ra vào của các nhà đầu tư.
Đáng chú ý, Trung tâm PTQĐ Hà Đông hôm 21-10-2022 ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với 9 đơn vị nhưng thay vì phải thông báo trước 3 tháng như thỏa thuận trước đó lại yêu cầu "di chuyển toàn bộ người, tài sản, công trình vật kiến trúc ra khỏi khu đất và bàn giao toàn bộ mặt bằng đã thuê trước ngày 30-10 cùng năm. Nhiều doanh nghiệp hết sức bất ngờ, cho rằng việc chỉ cho vài ngày để di chuyển đồ đạc, cơ sở vật chất khiến họ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không thể thực hiện nổi. Đời sống người lao động của họ cũng vì thế mà trở nên hết sức khó khăn, nhất là thời điểm Tết cận kề.
Truy rõ trách nhiệm
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của QH) có 2 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, việc thực hiện các chỉ đạo của TP Hà Nội về thu hồi mặt bằng đất cho thuê tạm, quận có thực hiện đúng theo chỉ đạo của thành phố hay không thì Thanh tra TP Hà Nội cần vào cuộc để làm rõ. Thứ 2, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào để xảy ra vụ cháy gây hậu quả chết người..
Chính quyền lập hàng rào, kiểm soát hoạt động ra vào của nhà đầu tư. Ảnh: HỮU HƯNG
Ngoài ra, cũng cần làm rõ việc ngay từ thời điểm 2015, ai đề xuất, ai đồng ý phương án khai thác tạm hàng chục ha đất dự án công viên này. Chủ trương có đúng quy định của pháp luật hay không mà đến năm 2021, UBND TP Hà Nội lại có văn bản nêu rõ việc cho thuê mặt bằng tại đây là không đúng quy định.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cũng cho rằng ban đầu thành phố đồng ý cho quận khai thác tạm mặt bằng là để "phục vụ nhu cầu về hoạt động thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe và vui chơi giải trí của nhân dân" nhưng sau đó vì những lý do nào đó mà doanh nghiệp thuê đất lại làm nhà hàng, nhà kho, xưởng… sai với mục đích ban đầu thì trước hết trách nhiệm là của chính quyền quận.
Nếu quận giao cho đơn vị nào quản lý, khai thác thì phải truy trách nhiệm đơn vị đó. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường cho đối tác nếu đối tác không vi phạm. Hiện nay, đã xảy ra kiện tụng, tố cáo rồi thì phải chờ tòa án và các cơ quan liên quan xử lý.
Nhấn mạnh thêm về trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn của quận, ông Phạm Văn Hòa nói người dân thuê đất rồi vi phạm mà chính quyền lại ngó lơ cho vi phạm, để vi phạm tồn tại thì trách nhiệm không thể bàn cãi là của chính quyền quận và đơn vị quản lý, khai thác.
"Tôi nghĩ Trung tâm PTQĐ không bao che thì mới là lạ. Trách nhiệm ở đây trực tiếp là Trung tâm PTQĐ, sau đó trách nhiệm liên đới thuộc về UBND quận Hà Đông. Thanh tra quận Hà Đông phải vào cuộc làm rõ, nếu cần thiết thì Thanh tra TP Hà Nội phải vào cuộc, kiểm tra xem trách nhiệm của quận đến đâu để tham mưu, xử lý dứt điểm" - ông Phạm Văn Hòa nói.
Hiện nhiều đơn vị thuê đất đã gửi đơn cứu xét khẩn cấp đến Ban tiếp Công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ và nhiều cơ quan khác để tố cáo, khiếu nại, đề xuất các kiến nghị cấp bách về việc bị chính quyền quận Hà Đông đơn phương chấm dứt hợp đồng, quây hàng rào.
Các đơn vị này nêu nhiều vấn đề cấp bách, trong đó có kiến nghị UBND TP Hà Nội thanh tra toàn diện nhằm phát hiện, xử lý sai phạm.
Phó mặc cho tòa
Không chỉ dừng lại ở gửi đơn kiện đến TAND quận Hà Đông, một số đơn vị thuê đất đã gửi đơn khởi kiện UBND quận Hà Đông đến TAND TP Hà Nội. TAND TP Hà Nội đã ra các thông báo về việc thụ lý vụ án liên quan đến các đơn kiện này.
Làm việc với phóng viên, khi được hỏi về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với các đơn vị thuê đất là đúng hay sai, ông Nguyễn Lương Năm, Tổ trưởng tổ hành chính Trung tâm PTQĐ Hà Đông (người được bà Phạm Thị Phương Thảo, Giám đốc trung tâm này, ủy quyền trả lời, trong khi bà Thảo được văn phòng UBND quận Hà Đông giao trả lời Báo Người Lao Động), loay hoay không nói rõ đúng hay sai. Ông Năm chỉ thông tin vấn đề này hiện một số đơn vị đã kiện ra tòa án, tòa án sẽ phân xử.
Người lao động lao đao
Trước thời điểm chính quyền quận Hà Đông quây rào, khoảng gần 1.000 lao động địa phương làm thuê, buôn bán tại các đơn vị trong khu vực dự án Công viên Hà Đông.
Bà Phạm Thị Huệ, quê ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội), là công nhân chăm sóc cỏ tại sân tập golf Hà Đông, khi hay tin nơi bà đang làm việc phải dừng hoạt động đã rầu rĩ cho biết lương công nhân chỉ đủ sống. Năm hết, Tết đến, bao khoản phải lo trong khi những công nhân như bà chỉ biết trông chờ vào chút tiền lương. Thế mà bị bắt đóng cửa "nhanh đến ngạc nhiên" nghĩa là gián tiếp tước việc làm của người lao động.
Nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn
Còn bà Nguyễn Thị Quý, quê ở huyện Hoài Đức (TP Hà Nội), làm công nhân một công ty ở khu vực này được 5 năm, thu nhập dù không cao nhưng cũng ổn định. Bà Quý cho hay công ty đang hoạt động bình thường thì "đùng một cái" không hiểu vì lý do gì mà nhận được thông báo phải đóng cửa lập tức. "Công ty ngừng thì chúng tôi làm gì có lương và thưởng Tết. Vì vậy mong các cấp, các ngành xem xét cho thấu đáo, kéo dài cho doanh nghiệp được hoạt động, để công nhân chúng tôi có cái Tết được trọn vẹn" - bà Quý bày tỏ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-1
Bình luận (0)