Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha đi qua 8 quận, huyện của TP HCM. Dù đã thực hiện xong giai đoạn 1 là đền bù giải phóng mặt bằng, nạo vét bùn dưới kênh, tạo đường giao thông đất dọc 2 bên kênh nhưng do thiếu vốn nên giai đoạn 2 chưa biết khi nào sẽ triển khai.
Thấy kênh người ta xanh mướt mà thèm
Chiều xuống, ẵm đứa cháu nội ra bờ kênh để dỗ cháu ăn, bà Nguyễn Thị Búp, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, nhìn xa xăm qua bờ kênh bên kia mà buồn xo: "Thấy con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà thèm. Người ta cũng kênh nhưng đường được trải nhựa, trồng cây xanh, làm bờ kè mướt mắt, còn ở đây cỏ mọc um tùm, đường sá không có, người dân không được sửa sang nhà cửa, ngẫm mà buồn".
Kênh Tham Lương - Bến Cát vẫn ô nhiễm mỗi ngày nhưng dự án cải tạo giai đoạn 2 vẫn chưa biết ngày triển khai
Hơn 40 năm sống dọc kênh Tham Lương - Bến Cát, gia đình bà Búp chứng kiến bao biến đổi của dòng kênh, khi bồi lắng, khi ô nhiễm… Bà kể năm 2002, địa phương thông báo dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát được thực hiện với mục đích nạo vét, xử lý nước kênh, xây kè, mở đường để cải thiện đời sống hàng triệu người dân dọc đôi bờ. Lúc đó, nhà tôi phải "nhường" khoảng 600 m2 đến năm 2015 tôi mới nhận tiền đền bù. Từ lúc cầm tiền đền bù đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng con kênh vẫn hôi thối, nhà của tôi không thể xây mới, đường sá trước nhà thì nhếch nhác, người dân vẫn lén lút xả rác bậy gần kênh khiến môi trường bị ảnh hưởng. "Chậm chạp kiểu này không biết những người già nơi đây có cơ hội được thấy con kênh trong xanh hay không" - bà Búp nói xa xăm.
Hơn 1.200 m2 đất là ao cá, vườn dừa, chuối đang khai thác nhượng lại cho dự án này nhưng 14 năm nay, gia đình bà Nguyễn Minh Thanh (phường Tân Thới Nhất, quận 12) vẫn thất vọng vì chưa thấy hình hài dự án. "Dự án càng triển khai chậm càng gây lãng phí cho người dân, do đó chúng tôi đề nghị TP cần nghiên cứu kêu gọi nhà đầu tư triển khai sớm giai đoạn 2" - bà Thanh bức xúc nói.
Không chỉ những hộ nhượng đất khi dự án đi qua chờ mong trong khắc khoải, hàng ngàn hộ dân sống bên đôi bờ kênh cũng mong chờ không kém, nhiều người được chúng tôi hỏi đều mong con kênh này "xanh hóa" như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Trở về với thực tế, bà Nguyễn Thị Sáu, sống sát mé kênh đoạn đi qua quận Tân Phú nói kênh này ô nhiễm kinh niên, dù rác có giảm nhưng nước kênh lúc nào cũng đen kịt, mùi hôi thối bốc lên mỗi khi nắng gắt vì rất nhiều cơ sở sản xuất dọc bờ kênh vẫn xả nước thải ra đây. Khó mong ngày dòng kênh xanh trở lại.
Chỉ còn tìm nhà đầu tư phù hợp!
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài hơn 20 km, được khởi động từ năm 2016 sau khi đã hoàn tất đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân. Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm nạo vét bùn dưới kênh, tạo đường giao thông đất dọc 2 bên kênh và đã hoàn tất cơ bản. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện nhiều hạng mục như xây kè; làm đường giao thông trải nhựa dọc 2 bên kênh; xây dựng 2 cống ngăn triều ở 2 đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật); lắp đặt cống dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn…
Giai đoạn 2 dự định thực hiện từ năm 2017 đến 2020 nhưng chưa kịp thực hiện thì bị Ngân hàng Thế giới ngưng tài trợ (năm 2017) do một số khác biệt trong vấn đề giải quyết đền bù, giải tỏa.
Tại cuộc họp mới đây của UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP ông Võ Văn Hoan cho biết mọi thứ đã ổn, hiện chỉ đợi tìm được nhà đầu tư phù hợp để thực hiện tiếp giai đoạn 2. TP cũng nghiên cứu sử dụng quỹ đất công dọc tuyến để thi công mở rộng một số tuyến đường lân cận, các khu đất tiệm cận và không tiệm cận thực hiện các dự án. Ngoài ra, TP cũng đang nghiên cứu phương pháp cải tạo, xử lý bãi chôn lấp rác thải Gò Cát nằm gần kênh Tham Lương để ngăn chặn việc nước rò rỉ từ bãi rác gây ô nhiễm dòng kênh.
Trước thực trạng đình trệ trên, nhiều địa phương đã phải than trời. Ở quận Bình Tân - nơi có 7 phường với khoảng 2.267 hộ dân chịu ảnh hưởng - đang trông mong từng ngày tái khởi động dự án, một cán bộ quận đã thẳng thắn đề xuất phải có giải pháp cấp bách tạm thời. Đó là, do đường dọc kênh là đường đất nên phát sinh nhiều bụi, ảnh hưởng đời sống người dân, trong khi dự án với nguồn vốn rất lớn, TP phải cân đối nhiều nguồn, do đó TP có thể phân kỳ đầu tư. "Đoạn nào quan trọng thì làm trước mới hy vọng cư dân bớt bức xúc" - vị cán bộ quận Bình Tân nói.
Muốn bớt khổ phải tự cứu
Thấy được nỗi khổ sở của người dân, quận Gò Vấp đã lựa chọn những phường có đoạn kênh đi qua để vận động người dân chung tay đóng góp để trải đá, lu lèn con đường đất, tự trồng hoa kiểng ven kênh để bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Văn Điền (nhà ngay chân cầu Chợ Cầu, phường 14, quận Gò Vấp) nhìn con đường trước nhà đang chuẩn bị trải đá, nói nhờ chính quyền vận động mọi người cùng chung tay nên chúng tôi sắp thoát khỏi cảnh bụi mù tấn công. "Tuy nhiên, đây chỉ là con đường tạm nên cũng chỉ là giải pháp tạm mà thôi. Chừng nào dự án triển khai thực hiện hoàn thiện thì người dân mới yên tâm" - anh Điền chia sẻ.
Bình luận (0)