Ngày 26-12, liên quan loạt bài "Thâm nhập thế giới làm đẹp" của Báo Người Lao Động, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết Thanh tra Sở Y tế TP và quận - huyện liên quan đang kiểm tra, làm rõ các cơ sở thẩm mỹ do báo nêu theo chỉ đạo của cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế và UBND TP HCM.
Phát hiện nhiều sai phạm
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Linh Anh (277 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3) và spa Hana Bùi (số A14-03, tầng 14 chung cư Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12).
Tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Linh Anh (được Sở Y tế TP cấp phép hoạt động phòng khám chuyên khoa da liễu, do bác sĩ Đặng Xuân Thành phụ trách), đoàn ghi nhận cơ sở thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội các dịch vụ siêu cấy collagen, thu nhỏ lỗ chân lông… nhưng chưa xuất trình giấy xác nhận nội dung quảng cáo do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đoàn cũng ghi nhận một phụ nữ tên Vi tự xưng là điều dưỡng đang truyền trắng cho khách hàng nhưng không xuất trình được chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn.
Nhân vật tự xưng là Hồng Vui, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TP Hà Nội), thực hiện nâng mũi cho khách hàng. Theo bệnh viện thì không có bác sĩ này Ảnh: TRẦN NGUYỄN
Thanh tra đã yêu cầu cơ sở ngưng ngay việc truyền trắng và quảng cáo trong lĩnh vực khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Tại spa Hana Bùi, Thanh tra ghi nhận cơ sở bố trí 1 phòng có tra ng bị giường, đèn phẫu thuật, thiết bị và các dụng cụ y tế; 1 phòng trang bị 3 giường và 1 máy xông hơi. Cơ sở do bà Bùi Ngọc Lan làm chủ, cũng là người trực tiếp thực hiện nhấn mí, tiêm filler... Đoàn yêu cầu bà Lan ngưng ngay các hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh; đồng thời niêm phong toàn bộ trang thiết bị, dụng cụ y tế.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Ngoài ra, theo Công văn 7093/SYT-VP của Sở Y tế TP HCM trả lời Báo Người Lao Động, Sở Y tế cho biết đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), UBND 24 quận - huyện… tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da, spa, dịch vụ thẩm mỹ và các cơ sở hoạt động không phép trên địa bàn TP.
Đồng thời, Sở Y tế tăng cường phối hợp công tác quản lý, hậu kiểm đối với các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các cơ sở chăm sóc da, spa và các cơ sở hoạt động liên quan đến thẩm mỹ không phép trên địa bàn TP năm 2019; đăng công khai nội dung xử phạt vi phạm hành chính trên Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế.
Ngày 7-11, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP HCM để thông tin, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, hướng dẫn thủ tục, điều kiện hoạt động, thực hiện tuân thủ các quy định trong quá trình giải quyết sự cố y khoa…
Hằng năm, Sở Y tế đều tổ chức các đoàn thẩm định chất lượng bệnh viện và phòng khám trên địa bàn TP và đăng công khai điểm đánh giá chất lượng để người dân biết.
Trong năm 2019, Sở Y tế TP đã kiến nghị, đề xuất sửa đổi một số quy định của pháp luật (gồm Luật Khám chữa bệnh, Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…) để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật và bảo vệ quyền lợi cao nhất của người dân.
Vụ việc thanh niên P.H.S bị biến chứng sau khi hút mỡ đùi tại một cơ sở thẩm mỹ, sau khi phối hợp Công an TP và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thực hiện kiểm tra, xử lý, do có dấu hiệu vượt thẩm quyền xử lý của Sở Y tế TP, Thanh tra sở đã đề xuất chuyển vụ việc cho Cơ quan Điều tra Công an TP xử lý.
Về việc cho phép tổ chức hội thảo thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông. Giấy chứng nhận hoạt động nghề nghiệp cho cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền cấp của Bộ LĐ-TB-XH và Sở LĐ-TB-XH.
Phải ngăn chặn từ gốc!
Nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều, nghề thẩm mỹ là nghề hốt bạc. Đó là lý do các tiệm spa, thẩm mỹ viện mọc lên như nấm sau mưa. Thế nhưng, dù có nhiều quy định pháp luật, nhiều sở - ngành, UBND TP, quận - huyện chịu trách nhiệm quản lý và như Sở Y tế TP HCM khẳng định liên tục kiểm tra, xử lý thì sai phạm vẫn cứ công khai diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Điển hình là các cơ sở thẩm mỹ "chui", spa, thẩm mỹ viện - kể cả được gọi là "5 sao" (mà phóng viên Báo Người Lao Động đã phản ánh), quảng cáo sai chức năng hoạt động công khai trên mạng xã hội, phóng viên biết, người dân biết, lẽ nào cơ quan chức năng không biết, không xử lý được tận gốc? Đó là chưa kể còn rất nhiều cơ sở như thế đang hoạt động trên địa bàn TP như những quả bom nổ chậm, không biết đến lúc nào sẽ gây họa cho những người có nhu cầu làm đẹp nhưng thiếu hiểu biết. Dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu phía sau những cơ sở này có sự bảo kê, tiếp tay, chống lưng - như lời khoe khoang của một chủ cơ sở thẩm mỹ bị nêu tên trong bài viết, vừa điện thoại đe dọa phóng viên?
Thực tế cho thấy việc quản lý phẫu thuật thẩm mỹ còn quá nhiều bất cập, sơ hở do bị "chia năm xẻ bảy" và việc tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, ngành y tế được giao quản lý bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám, các cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi chuyên môn về khoa thẩm mỹ có giấy phép hoạt động. UBND quận - huyện được giao cấp phép, quản lý và chịu trách nhiệm về các spa, viện thẩm mỹ (không cần có giấy phép hoạt động, chỉ cần gửi văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện lên Sở Y tế), kể cả các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ "chui". Việc đào tạo nghề được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc quảng cáo (không đúng sự thật, không đúng chức năng) được giao Sở Thông tin và Truyền thông.
Thế nhưng, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ vẫn bát nháo. Không ít bác sĩ không chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ cũng tham gia khi các phòng khám mời. Một số bác sĩ tiếp tay, "vẽ đường" cho những người hành nghề chưa qua đào tạo thủ thuật thẩm mỹ, dù biết điều đó pháp luật và cả đạo đức nghề nghiệp không cho phép. Nhiều cơ sở được ngành y tế cấp phép hoạt động cũng vi phạm, thực hiện những ca phẫu thuật thẩm mỹ ngoài chức năng, quy định. Đặc biệt, đầy rẫy chủ spa, viện thẩm mỹ "chui" không có chuyên môn về ngành y vẫn vô tư tham gia phẫu thuật kiểu "mổ gà" cho hàng chục, thậm chí hàng trăm ca thẩm mỹ chỉ sau 1 tháng được cầm tay chỉ việc... Thực tế kinh hoàng đó đã ám ảnh phóng viên trong những ngày thâm nhập thế giới làm đẹp. Nhiều lần chứng kiến các "bác sĩ" không chuyên môn loay hoay, vụng về trong xử trí những ca có dấu hiệu bất thường, chúng tôi thật sự lo lắng, thầm cầu mong những khách hàng liều mình làm đẹp tai qua nạn khỏi.
Một thực tế đáng buồn khác là mỗi khi có phản ánh từ báo chí hoặc có sự cố xảy ra, các cơ quan quản lý liên quan thường tìm hiểu xem trách nhiệm có thuộc về ngành mình, rồi ban hành văn bản đôn đốc, yêu cầu chỉnh đốn, báo cáo hoặc tổ chức thanh tra, kiểm tra rầm rộ ở thời điểm đó. Thế thôi! Thiếu một giải pháp đồng bộ, quyết liệt để bịt ngay từ đầu những lỗ hổng trong quản lý nhằm ngăn ngừa triệt để hệ quả xấu. Đó là lý do mà sau mỗi đợt "sóng gió", đâu lại vào đấy.
Đây là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, sinh mạng con người trên hết và quan trọng nhất vẫn là quản lý và tuyên truyền như thế nào để phòng ngừa tai biến, chết người; không thể để xảy ra vụ việc mới vào cuộc kiểm tra, tìm hiểu, xử lý trách nhiệm. Rất cần các cơ quan chức năng liên quan cùng ngồi lại phân tích những bất cập, tìm ngay giải pháp để có thể quản lý được hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn nhằm ngăn chặn vi phạm một cách hiệu quả; đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ "chui", kể cả xử lý hình sự, cho dù chưa xảy ra sự cố.
Huỳnh Hiếu
Bình luận (0)