Ngày 22-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) - đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Ban Nội chính trung ương (NCTƯ).
Đòi hỏi thực sự bản lĩnh
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá Ban NCTƯ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo chọn những khâu yếu, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Ngành nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
"Ở đây đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng và thống nhất ý kiến giữa các cơ quan chức năng mới làm được. Vì phòng chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp, đụng chạm lợi ích, đụng chạm đến con người. Lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, công tâm, liêm khiết, phối hợp chặt chẽ mới làm được" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và bày tỏ vui mừng vì Ban NCTƯ cùng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án đã phối hợp rất tốt; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, nhân dân đồng tình và ủng hộ, đánh giá cao. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã xử lý kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý; điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 643 vụ/1.579 bị cáo về tham nhũng, kinh tế.
Các đại biểu thống nhất cao với những nội dung trình bày tại hội nghị Ảnh: TTXVN
Đối với các nhiệm vụ của ngành nội chính trong năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cần hoàn thiện hơn các quy định, thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng"; tham mưu, đề xuất các quy định về phòng chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng.
Đáng chú ý, Ban NCTƯ cần tập trung tham mưu nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm...
Mong sớm kết luận vụ Thủ Thiêm
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rõ thêm về vụ Thủ Thiêm và cho biết đây là khiếu kiện kéo dài từ rất lâu. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, qua đó cho thấy các cơ quan quản lý có những sai sót. Từ vụ này, Bí thư Thành ủy TP HCM nêu lên một số bài học. Chẳng hạn như chính sách đền bù chưa hợp lý, quản lý quy hoạch đô thị yếu kém…
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ sớm quan tâm công bố phần kết luận còn lại của Thủ Thiêm. "TP HCM rất mong đợi sự công khai kết luận vụ Thủ Thiêm. Vừa qua, mới chỉ công bố những vấn đề liên quan đến người dân, còn vấn đề liên quan đến trách nhiệm chung thì chưa thấy công bố. TP rất chờ đợi cái này" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho biết năm 2018, hệ thống Đảng và chính quyền, MTTQ của TP tiếp nhận hơn 3.400 tin có nguy cơ sai phạm trong cán bộ, công chức và sự việc xảy ra. Trong đó, tính đến nay đã có hơn 3.000 tin đã được xử lý. Qua xử lý đã kỷ luật 97 đảng viên; về chính quyền đã xử lý 142 cán bộ, công chức từ khiển trách cho đến buộc thôi việc.
Khẩn trương, quyết liệt trong điều tra
Trong 5 năm qua, từ khi tái lập đến nay, Ban NCTƯ đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Riêng 87 vụ án, 78 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 47 vụ/634 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20 đến 30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm.
Riêng trong năm 2018 đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so năm 2017), truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so năm 2017), xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần so năm 2017), nhất là đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bình luận (0)