Trước đó, người ta bóp méo trán vẫn lý giải không nổi vì sao Bộ Công Thương lại đưa ra những quy định hết sức lạ lùng trong dự thảo nghị định nói trên, đến mức giới bán lẻ phải gào lên rằng làm như thế là trở lại với thời kỳ bao cấp!
Những quy định thụt lùi ấy là gì? Đây: diện tích kinh doanh siêu thị phải từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2; siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại...; phải mở cửa bán suốt tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, từ 10 giờ đến 22 giờ; mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá…
Các chủ siêu thị và người đứng đầu những hiệp hội bán lẻ phản đối kịch liệt, đồng thời đưa ra lý lẽ phản biện gần như toàn bộ các dự thảo quy định. Người tiêu dùng bình thường nhìn vào đó đã thấy bất khả thi rồi, nói gì đến các chuyên gia trong ngành. Mà chưa cần đến lúc những quy định này được áp dụng, thực tế đã chứng minh mệnh lệnh hành chính can thiệp vào quan hệ thị trường thì chắc chắn thất bại, chẳng hạn trường hợp dịp trước Tết Bính Thân 2016, chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các siêu thị phải mở cửa cả 3 ngày Tết song chẳng ai mở cả, ế khách thì mở làm gì…
Người của Bộ Công Thương lẽ ra phải thật sâu sát với lĩnh vực mình quản lý chứ sao lại xa rời thực tế đến mức ấy? Quan liêu hay là cố tình trói buộc doanh nghiệp để làm nảy nòi cơ hội xin - cho!?
Từ câu chuyện về dự thảo nghị định này, thấy thêm một điều lạ lùng ở Bộ Công Thương. Cụ thể, hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương được Chính phủ biểu dương vì tiên phong đưa ra phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ (khoảng 55%). Đây là chuyển biến rất tích cực, thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018 về cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường và điều kiện kinh doanh. Vừa ghi điểm nhờ nỗ lực này thì bộ lại "tự bắn vào chân" bằng dự thảo nghị định chẳng giống ai kể trên.
Đại diện VCCI nhận xét trường hợp đi ngược gió này của Bộ Công Thương cho thấy căn bệnh "nghiện quản lý" ở các bộ, ngành. Vòng ngực phải đạt bao nhiêu mới được lái xe, làm đám cưới chỉ được tối đa bao nhiêu mâm, lái tàu phải khám sinh dục, không bán bia sau 22 giờ, bán thịt heo không quá 8 giờ sau giết mổ… là những minh chứng của tư duy "quản không nổi thì cấm". Nhà chức trách công không đặt lợi ích của người dân lên trên hết mà lấy lợi ích cục bộ của ngành mình làm trọng thì kìm hãm sự vươn tới, ngược chiều với tiến trình phát triển.
Cũng qua đó, cơ chế xin - cho có đất sống, đồng nghĩa rằng những người nắm quyền lực có thêm cơ hội vun vén cho cá nhân mình. Tham nhũng núp bóng chính sách là đây chứ đâu nữa, phải triệt ngay từ đầu!
Bình luận (0)