xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tham nhũng vặt: "Lỗ nhỏ dễ đắm thuyền"

VĂN DUẨN - NGUYỄN HƯỞNG - MINH CHIẾN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định số liệu 0,63% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ là chưa chính xác vì việc đánh giá cán bộ còn nể nang nhau

Ngày 7-11, Quốc hội (QH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về các nhóm vấn đề: Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo thi nâng ngạch; đánh giá, xử lý vi phạm cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuyển dụng cán bộ: Chặt nhưng chỉ trên hồ sơ

Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về tình trạng tham nhũng vặt, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp (DN) của một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC) còn diễn ra nhiều nơi nhưng chậm được khắc phục, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt. "Tham nhũng vặt, mặc dù nói vặt nhưng "lỗ nhỏ dễ đắm thuyền" rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, DN" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá.

Ông Lê Vĩnh Tân cho biết đã có số liệu xử lý kỷ luật CBCC tham nhũng trong năm 2018. Theo ông, con số xử lý này chưa phải phản ánh đúng thực tế của xã hội nhưng bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực. Sắp tới, bộ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng nghị định thay thế Nghị định 34 về xử lý kỷ luật CBCC nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân.

Cũng liên quan đến việc xử lý cán bộ vi phạm, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) phản ánh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp. "Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá quy hoạch bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, tại sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm đạo đức công vụ?" - ĐB Thắng đặt vấn đề.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết quy trình tuyển dụng cán bộ rất chặt chẽ nhưng chủ yếu thông qua hồ sơ lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới. "Trong công tác cán bộ, chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, tiêu chuẩn nhưng chọn không đúng người, không hiểu được cán bộ. Thậm chí, trong vấn đề sai phạm của cán bộ thời gian vừa qua cũng không quản lý, phát hiện được hồ sơ của cán bộ, công chức khai không trung thực" - bộ trưởng nêu thực trạng và cho biết đã giao các cơ quan làm công tác tham mưu tổ chức khi nhận hồ sơ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải thẩm tra, xác minh kỹ quá trình làm việc thực tế của cán bộ đó tại cơ sở.

Tham nhũng vặt: Lỗ nhỏ dễ đắm thuyền - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên chất vấn ngày 7-11 Ảnh: QUANG VINH

Không tìm ra người để giảm biên chế !?

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, chất vấn: "Con số 0,63% có phản ánh đúng tình hình thực thi công vụ hay không? Nếu không đúng, nguyên nhân nằm ở quy định không phù hợp hay do sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá?".

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết qua tổng hợp báo cáo của hơn 40 tỉnh, thành và các bộ, ngành, có đến hơn 67% công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn 27% hoàn thành xuất sắc, còn lại là hoàn thành nhiệm vụ nhưng có mặt hạn chế và chỉ 0,63% không hoàn thành nhiệm vụ. Với viên chức cũng có tỉ lệ đánh giá tương tự. "Với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi đánh giá tỉ lệ này là chưa chính xác, trong đó có nguyên nhân các đơn vị, địa phương xây dựng tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, nặng về cảm nhận, còn nể nang nhau" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Bộ trưởng chia sẻ ông có hơn 10 năm làm cán bộ từ cấp tỉnh trở lên, bản tự kiểm hằng năm chưa bao giờ tự đánh giá là "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Tuy nhiên, khi tự đánh giá như vậy, cấp dưới lại nói rằng "thủ trưởng không hoàn thành xuất sắc thì cấp dưới, đơn vị không hoàn thành xuất sắc". "Nhưng đúng là tự kiểm thì đơn vị có hoàn thành xuất sắc đâu" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận trước QH.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sắp tới đây, khi xây dựng nghị định về đánh giá CBCC sẽ có đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, thực chất. Các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc. "Không để xảy ra tình trạng đánh giá cán bộ kiểu gì mà không tìm ra người để giảm biên chế, trong khi dư luận xã hội cho rằng chỉ 30% CBCC làm việc thôi" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói. 

Truy dự án điện "rùa bò"

Vấn đề nhiều dự án điện đang chậm tiến độ trong khi nguy cơ thiếu điện cận kề được các ĐBQH quan tâm trong phiên chất vấn Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngày 7-11.

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) băn khoăn khi dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu dù đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước, nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục nhưng đến này vẫn chỉ "nằm trên giấy". Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết từ nay đến cuối năm có triển khai được dự án hay không?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời: "Tôi chắc cũng không thể nói được khi nào triển khai vì còn chờ. Hy vọng dự án sẽ triển khai vào đầu năm 2020, đó là theo hiểu biết của tôi". Ngay sau đó, các ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng quy hoạch không phải là nguyên nhân chính khiến dự án chậm mà là do Bộ Công Thương thiếu quyết liệt.

Làm rõ thêm vấn đề, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho biết các dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội. "Trong khoảng 60 dự án đang đầu tư thì có đến 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn kéo dài hơn nữa, với tổng công suất khoảng 39.000 MW, từ đó đã dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019" - Phó Thủ tướng thông tin và cho biết nguyên nhân chính là việc huy động nguồn vốn đầu tư còn hạn chế.

"Tóm lại, có mấy dự án điện ở ĐBSCL đều bị chậm. Đề nghị Chính phủ quan tâm và chiều 8-11 thì Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời thêm cho các ĐBQH và cử tri biết" - Chủ tịch QH chốt lại vấn đề.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo thông tư cách xác định hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Tại phiên chất vấn này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị người đứng đầu ngành nêu rõ thời điểm hoàn thành thông tư.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cuối năm nay sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ - ngành khác để hoàn thiện thông tư này.

Nhận khuyết điểm

Tôi đem đến phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân một gánh tâm tư của những cử tri là công chức, viên chức với sự mệt mỏi bởi yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ nhằm chuẩn hóa đội ngũ theo quy định hiện nay. Họ nói với tôi, đó chính là "giấy phép con", tạo kẽ hở cho những người mang tư duy thực dụng "không cần làm giỏi, chỉ cần bằng nhiều" có thể trục lợi và là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ chuyên "cò" giấy phép...

Một "núi" vấn đề mà vị trưởng ngành Nội vụ phải đối mặt. Ông nhiều lần nhận khuyết điểm trước nghị trường. Cũng không nhiều tư lệnh có thể chân thành chia sẻ từng "bị trưởng Ban Tổ chức Trung ương phê bình 2 lần" như ông, khi nhắc đến sự chậm trễ trong thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, phòng. "Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng và nhận trách nhiệm về việc này" - ông trả lời chất vấn của ĐB về việc chưa có hướng dẫn cụ thể cho đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Ông thẳng thắn nhìn nhận số liệu từ báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ "là chưa chính xác" bởi quá trình đánh giá còn nể nang, cảm tính và cam kết nỗ lực khắc phục.

Tôi ấn tượng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ bởi ông đã đối diện với ĐB, cử tri và hàng trăm vấn đề còn tồn đọng bằng thái độ thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị; bằng tâm thế ôn hòa, tự tin.

Ông cho thấy việc "nhận khuyết điểm" không chỉ là "kỹ năng" mà mỗi bộ trưởng thường trang bị cho mình để ứng phó với các vấn đề hóc búa trên vị trí "ghế nóng" mà còn là thái độ cầu thị chân thành và nỗ lực đưa ra giải pháp tháo gỡ. Nhưng tôi vẫn mong muốn nhiều hơn thế. Mong Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng như tất cả vị trưởng ngành khác, khi tiếp nhận chất vấn, hãy đặt mình vào vị trí của cử tri, ĐB để thấu hiểu bức xúc. Khi nhận khuyết điểm và xin lỗi, đừng nhận cho có, hãy nhận bằng tâm thế nỗ lực sửa đổi.

Một phiên chất vấn khiến tôi phần nào hài lòng và yên lòng khi có thể mang về cho cử tri ít nhiều câu trả lời thỏa đáng. Tôi mong qua từng kỳ họp QH, qua từng phiên chất vấn, sẽ dần bớt đi những ẩn ức và hành vi tiêu cực của đội ngũ công chức, viên chức bởi những quy định thiếu rõ ràng, chồng chéo, rườm rà, bởi sự lạm quyền của cấp trên.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo