Ngày 23-12, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết UBND quận Cầu Giấy đã có báo cáo gửi Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND TP Hà Nội về việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 09 lô B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh thời gian qua.
Chủ đầu tư bất chấp vi phạm
Theo báo cáo trên, công trình trên do ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà làm chủ đầu tư. Lô đất số 09 nêu trên được quy định về quy mô xây dựng công trình là 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 33%, hệ số sử dụng đất 1,00. Ngày 12-11-2020, UBND quận Cầu Giấy đã cấp Giấy phép xây dựng số 638/GPXD cho ông Duyên và bà Hà với quy mô 3 tầng nổi, mật độ xây dựng 25,2%. Tuy nhiên, hiện công trình xây dựng trên có quy mô 3 tầng nổi + tầng áp mái + tầng hầm; mật độ xây dựng khoảng 50% tương ứng với diện tích sàn xây dựng khoảng 150 m2 (sai quy mô số tầng và mật độ xây dựng so với giấy phép xây dựng được cấp).
Quá trình xử lý các vi phạm tại công trình này, chính quyền quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa đã có nhiều văn bản yêu cầu tháo dỡ phần công trình vi phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Chính quyền địa phương sau đó đã có quyết định đình chỉ thi công, đồng thời yêu cầu các bên liên quan trình hồ sơ cưỡng chế theo quy định.
"UBND phường Yên Hòa đã rào tôn công trình vi phạm trên. Tuy nhiên, chủ đầu tư tự ý phá dỡ hàng rào, tiếp tục xây dựng ngoài giờ hành chính. UBND phường Yên Hòa đã lập biên bản làm việc vào các ngày 18-11, 2-12 yêu cầu khôi phục hiện trạng rào tôn và ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm; đồng thời phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận thiết lập hồ sơ cưỡng chế theo quy định và tham mưu UBND quận" - UBND quận Cầu Giấy cho biết.
Dù đang bị đình chỉ nhưng công nhân vẫn thi công rầm rộ tại công trình xây dựng biệt thự vi phạm thời gian qua
Đáng chú ý, theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, mặc dù đã có quyết định về việc đình chỉ và buộc tháo dỡ, cưỡng chế phần công trình vi phạm nhưng hiện UBND quận Cầu Giấy lại đang xin ý kiến Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng Hà Nội đối với việc cấp Giấy phép xây dựng công trình tại số 09.
Thanh tra Bộ Xây dựng cần vào cuộc
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc UBND quận Cầu Giấy đang xin ý kiến Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng Hà Nội đối với việc cấp giấy phép xây dựng công trình trên "có vẻ như các ông (chính quyền UBND quận Cầu Giấy và chủ đầu tư) đang "thậm thụt" với nhau để hợp thức hóa vi phạm".
"Từ trước đến nay, việc xử lý các vi phạm tại công trình này chính quyền không làm đến nơi đến chốn thì tại sao bây giờ lại xin ý kiến cấp phép bổ sung, như vậy là xin hợp thức hóa cho chủ đầu tư, giúp chủ đầu tư hợp thức hóa vi phạm. Thanh tra Bộ Xây dựng phải vào cuộc xem xét lại, nếu không dư luận sẽ không phục. Đối với việc xử lý cán bộ vi phạm liên quan thì phải tùy theo mức độ để xử lý nghiêm từng cá nhân, tổ chức vi phạm" - vị phó Ban Dân nguyện nêu vấn đề.
Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các công trình vi phạm trật trự xây dựng ở Hà Nội là không phải ít, Ủy ban Pháp luật cũng đã chỉ rõ những bất cập tương tự trên địa bàn Hà Nội.
Theo luật, các trường hợp như vậy hoặc điển hình như công trình nêu trên cần phải xử lý nghiêm, có thể xử phạt hành chính hoặc buộc phải cưỡng chế hoặc tháo dỡ phần công trình vi phạm. Đối với cán bộ, nếu xác định có "bao che" thì các cơ quan chức năng cần làm rõ mức độ vi phạm để xử lý.
Xử lý cán bộ... phường
Theo ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, để xảy ra vi phạm tại công trình trên, ông Lê Quang Vịnh, Tổ trưởng Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Yên Hòa, bị xử lý kỷ luật đảng viên bằng hình thức khiển trách, xử lý kỷ luật cán bộ công chức bằng hình thức khiển trách và điều chuyển vị trí công tác; các ông Trần Ngọc Hữu, Dương Đình Thi, là tổ viên Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Yên Hòa, tự kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng và điều chuyển vị trí công tác.
Bình luận (0)