Theo Bộ Y tế, hiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc gia tăng đi lại, giao lưu của người dân sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
"Đặc biệt, chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất" - Bộ Y tế yêu cầu.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương thực hiện thống nhất các biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định. Các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Thủ tướng lưu ý không được "ngăn sông cấm chợ", cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.
Đưa ra lời khuyên cho người dân đón Tết an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân không nên chủ quan vì đã tiêm vắc-xin mà buông lỏng phòng chống dịch. Ngày Tết, việc đi lại, gặp gỡ nhiều hơn nên nguy cơ lây nhiễm cao. Trong thời gian về quê đón Tết, tốt nhất là hạn chế thăm nom, đi lại không cần thiết; hạn chế tiếp xúc đông người, tổ chức ăn uống linh đình vì quá trình ăn uống không thực hiện 5K thì nguy cơ lây nhiễm cao…
Theo ông Trần Đắc Phu, mỗi người cần có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc-xin. Khi về quê đón Tết, mọi người cần chuẩn bị các kiến thức phòng chống dịch, khai báo y tế đầy đủ, thậm chí nên chuẩn bị tình huống nếu mình trở thành F0 thì phải xử lý như thế nào.
Ông Trần Đắc Phu cũng lưu ý cần rà soát những trường hợp hiện chưa được tiêm chủng, đặc biệt là người già, người do chống chỉ định không tiêm chủng trước đây, để được tiêm vắc-xin nếu đủ điều kiện. "Hiện số người nhiễm trong cộng đồng vẫn còn cao, yếu tố lây nhiễm theo gia đình đang tăng lên nên những người này dễ nhiễm bệnh hơn trước đây. Vì vậy, cần tính toán, xem xét để tiêm vắc-xin cho họ" - PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nhằm bảo đảm điều trị bệnh nhân Covid-19 dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế giao 37 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ tiếp nhận điều trị người bệnh được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Các cơ sở y tế này có nhiệm vụ hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19 cho địa phương khi có đề nghị, bảo đảm phù hợp với khả năng tiếp nhận và năng lực chuyên môn của bệnh viện.
Bộ Y tế hướng dẫn mới về cấp độ dịch
Ngày 27-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký quyết định ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Quyết định mới có hiệu lực từ ngày 27-1 và thay thế Quyết định 4800 ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế.
Với hướng dẫn mới, hầu như các tỉnh, thành đều thuộc "vùng xanh". Theo đó, hướng dẫn mới vẫn gồm 3 tiêu chí đánh giá: tỉ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc-xin; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến. Việc thống kê số ca mắc được thực hiện hằng ngày nhưng kèm theo tiêu chí số ca chuyển nặng khi đánh giá cấp độ dịch.
Hướng dẫn mới yêu cầu các địa phương kiểm soát dịch tại nơi xuất phát mang tính chủ động và hiệu quả hơn, hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính bao vây trên phạm vi rộng. Đồng thời, kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; phát hiện sớm những bất thường để xử lý đúng, trúng, hiệu quả. Phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương, tránh tư tưởng buông lỏng, giao phó cho y tế trong việc điều trị ca bệnh nặng.
Bình luận (0)