xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tháng hai bất khuất: Tuổi xuân gửi lại biên cương

Văn Duẩn - Mạnh Duy

Các chiến sĩ biên phòng là những người đầu tiên nghe thấy tiếng súng tấn công của quân Trung Quốc rạng sáng 17-2-1979. Họ cũng là những người đầu tiên ngã xuống, anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc

Chúng tôi cùng cán bộ Đồn Biên phòng (ĐBP) cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) lên nhà bia tưởng niệm thắp hương cho các liệt sĩ. Bia khắc ghi 40 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của đồn, hy sinh từ năm 1963 đến 1988. "Chỉ riêng trận chiến ngày 17-2-1979, 36 người đã anh dũng hy sinh" - thượng tá Vương Quang Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên ĐBP cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cho biết.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

4 giờ 45 phút ngày 17-2, quân Trung Quốc (TQ) bắn pháo hiệu vào khu vực Đồng Đăng - Hữu Nghị. Ngay sau đó, các loại pháo, cối của chúng thi nhau bắn cấp tập vào ĐBP Hữu Nghị ở thị trấn Đồng Đăng. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa các chiến sĩ biên phòng, công an vũ trang, dân quân địa phương với quân TQ bắt đầu.

Dù đã ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt hơn 100 quân TQ, đẩy lùi 12 đợt tấn công, bắn cháy 1 xe tăng, 2 xe quân sự nhưng do chênh lệch lực lượng, trận địa của ĐBP Hữu Nghị bị bắn phá nặng nề, 2/3 quân số bị thương và hy sinh. Tại trận địa của ĐBP ở Nà Pàn, sau khi tiêu diệt nhiều lính TQ, cả 6 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh…

Cuốn lịch sử truyền thống ĐBP Hữu Nghị ghi rõ: "Lịch sử dân tộc và nhân dân mãi mãi ghi nhớ chiến công của những chiến sĩ biên phòng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở cửa khẩu Hữu Nghị của những đồng chí đã anh dũng hy sinh như liệt sĩ đại úy, chính trị viên Nguyễn Ngọc Linh; trung úy, đồn phó Nguyễn Tiến Hòa; chuẩn úy Hoàng Quang Chí; trung sĩ Hoàng Văn Lương, Nông Văn Hợp...".

Tháng hai bất khuất: Tuổi xuân gửi lại biên cương - Ảnh 1.

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trong đó có 36 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh hôm 17-2-1979Ảnh: Văn Duẩn

ĐBP Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) cũng là một mục tiêu bị tấn công hết sức ác liệt. Cán bộ, chiến sĩ ở đây đã cùng các lực lượng vũ trang kiên cường đánh trả quân TQ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ biên giới. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ĐBP đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Sáng 17-2-1979, sau 1 giờ pháo kích dồn dập, bộ binh TQ chia thành 3 mũi ồ ạt tấn công Trạm Kiểm soát cửa khẩu biên phòng Trà Lĩnh. Cán bộ, chiến sĩ ta đã nổ súng, dũng cảm chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của đối phương. Tuy nhiên, do mất liên lạc và chênh lệch lực lượng quá lớn, 15 cán bộ, chiến sĩ của trạm đã anh dũng hy sinh.

"Trong cuộc chiến đấu này, 15 đồng chí đã ngã xuống trên mảnh đất biên giới, hy sinh tuổi xuân của mình để bảo vệ vùng đất biên cương Tổ quốc. Máu đào của các anh mãi mãi tô thắm lá cờ truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, nhà nước đã tuyên dương công trạng tập thể Trạm Kiểm soát Trà Lĩnh - ĐBP Trà Lĩnh ngày 20-12-1979" - cuốn lịch sử truyền thống ĐBP Trà Lĩnh nhấn mạnh.

Cũng đúng 4 giờ 45 phút ngày 17-2-1979, đạn pháo của quân TQ nã dồn dập vào ĐBP Tà Lùng (tỉnh Cao Bằng). Một phân đội trên 80 người của ĐBP này phải chiến đấu chống trả 1 sư đoàn bộ binh đối phương có 50 xe tăng yểm trợ.

Quân TQ nổ súng tấn công, bao vây trạm kiểm soát cửa khẩu và ĐBP Tà Lùng, tưởng có thể tiêu diệt được trong chốc lát nhưng chúng đã vấp phải sức chống trả mãnh liệt. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt 14 giờ. Đơn vị đã mưu trí, dũng cảm đánh trả quyết liệt, bẻ gãy 11 đợt tấn công của quân TQ; tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên. Sau 1 ngày kiên cường chiến đấu, đơn vị đã luồn sau lưng quân TQ, diệt sinh lực đối phương, truy quét bọn phản động, chỉ điểm; bảo vệ hàng ngàn người dân và các cơ quan sơ tán an toàn.

Trong cuộc chiến đấu này, cán bộ, chiến sĩ của ĐBP Tà Lùng đã đoàn kết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 14 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã ngã xuống. Trong cuốn lịch sử truyền thống ĐBP Tà Lùng, những dòng chữ đã khắc ghi: "Sự hy sinh của các anh mãi mãi là tấm gương sáng ngời trong sự nghiệp vẻ vang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc; mãi mãi xứng đáng để các thế hệ hôm nay học tập, noi gương".

Anh dũng, kiên cường vì chính nghĩa

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Bộ đội Biên phòng Lào Cai có nhiều tấm gương tiêu biểu về tinh thần dũng cảm, kiên quyết đánh trả quân TQ xâm chiếm với phương châm dù còn 1 người cũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở ĐBP cửa khẩu Lào Cai (Đồn 125) cũng diễn ra vô cùng cam go, ác liệt. Ngay từ 5 giờ ngày 17-2-1979, khi các đợt pháo kích dữ dội của quân TQ vừa dứt, bộ binh của đối phương đã vượt cầu phao bao vây đánh phá thị xã Lào Cai.

Trong tình thế hết sức phức tạp, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Lào Cai đã phối hợp với lực lượng dân quân, tự vệ Vạn Hòa chiến đấu kìm chân quân chủ lực TQ tại chỗ, tiến công làm tiêu hao sinh lực đối phương. Khi bộ binh TQ tràn được vào đồn cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ ĐBP Lào Cai cùng trung đội tự vệ Vạn Hòa đã chia làm nhiều mũi đánh trả ngay trong lòng địch.

Trung sĩ Quách Văn Rạng, trung đội phó Đồn 125, là người kiên cường bám trụ đến cùng. Dù bị thương nặng nhưng anh vẫn ở lại cản bước chân quân TQ để đơn vị rút về tuyến sau. Bị quân TQ bắt và tra tấn dã man nhưng anh vẫn quyết không khai báo. Sau khi không đạt được mục đích, quân TQ đã sát hại người chiến sĩ biên phòng anh dũng.

Trong khi đó, ĐBP Pha Long (Lào Cai) cũng đã phối hợp với Đại đội 3 cơ động chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Sáng sớm 17-2-1979, ĐBP này rơi vào thế cô lập nhưng các cán bộ, chiến sĩ với vũ khí hạng nhẹ vẫn trụ vững trong 4 ngày.

Khi ấy, thượng úy Nguyễn Anh Đức, Đồn phó ĐBP Pha Long, đã lên chốt trực tiếp chỉ huy các khẩu đội đánh bật nhiều đợt tấn công của quân TQ. Ngày 18-2, anh trở về đồn, chỉ huy đơn vị chiến đấu phòng ngự. Anh đã ngã xuống chiến hào, hy sinh khi đợt tấn công cuối cùng trong ngày của quân TQ bị đập tan...

Truy phong anh hùng

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở Lào Cai, chỉ có 2 ĐBP là Si Ma Cai và Y Tý là quân TQ chưa đánh tới. Tám ĐBP còn lại đều bị pháo TQ phá hủy hoàn toàn; 57 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và 49 người bị thương. Trong đó, liệt sĩ Quách Văn Rạng và Lê Viết Xuân đã được truy phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Kỳ tới: Pò Hèn - khúc tráng ca bất tử

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo