Anh Beo cho biết cơ duyên khởi nghiệp với cây rau má bắt đầu trong một lần về quê vợ ở tỉnh Thanh Hóa, được người thân mời cơm có món rau má mọc tự nhiên trong vườn. Lúc ấy, anh chợt nghĩ sao mình không mang loại rau này trồng theo hướng thủy canh để nâng cao giá trị. Anh đã xin giống rau má tại quê vợ để mang về nhân giống.
Trở về quê, anh đã nghiên cứu cách trồng rau má thủy canh. Ban đầu, rau má trồng theo cách này bị thiếu dưỡng chất nên còi cọc và màu lá bị vàng. Với kiến thức nông nghiệp sẵn có, kỹ sư Beo tự pha trộn phân, thuốc để rau phát triển tốt, khống chế được độ đắng, độ lạt của rau má.
Sau nhiều lần thử nghiệm, đầu năm 2020, anh thành công với mô hình trồng rau má thủy canh, sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng. Vậy là, từ tháng 5-2020, anh Beo chi gần 1,5 tỉ đồng đầu tư trồng rau má VietGAP theo hướng công nghệ cao: lắp đặt hệ thống nhà kính, giàn thủy canh tưới tự động, máy sấy lạnh...; hệ thống chăm sóc được thiết kế hoàn toàn tự động, điều khiển trên điện thoại thông minh.
Kỹ sư Võ Thanh Beo với những giàn trồng rau má thủy canh của mình
"Điểm đặc biệt của rau má trồng thủy canh là rau có dây, hoa, củ. Khi thu hoạch, cắt chừa từ 2-3 lá non để cây dễ quang hợp, phát triển nhanh. Rau má chỉ lên giống một lần là ăn dài dài. Cách 10 ngày có thể thu hoạch một lần. Khi kiểm tra thấy cây nào không phát triển được nữa, năng suất kém thì chiết giống từ những cốc rau má tốt để thay và trồng lại trên giàn. Khoảng 15 - 20 ngày sau, rau có thể cho thu hoạch tiếp" - anh đúc kết.
Với 8 giàn tầng chữ A, vườn rau của anh Beo chỉ tốn diện tích 700 m2. Mỗi giàn chữ A có 2 mặt, mỗi mặt 8 tầng cho thu hoạch hơn 100 kg rau má/ngày. Thị trường chính của rau má thủy canh là các chợ truyền thống, quầy rau an toàn, cửa hàng đặc sản... Giá rau má được anh bán sỉ tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Bên cạnh sản phẩm lá rau má tươi, anh còn chế biến thành bột rau má, đây là sản phẩm chủ lực. Bột thành phần 100% từ rau má vừa có thể làm thực phẩm vừa có thể dùng làm đẹp. Nhờ đó, anh dễ dàng có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng.
Kỹ sư Võ Thanh Beo cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu rễ và củ rau má để tạo ra những sản phẩm mang giá trị dinh dưỡng, hương vị riêng biệt. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn hỗ trợ việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện vườn rau thủy canh của anh có 5 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, đánh giá đây là mô hình khá mới mẻ nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo làn gió mới trong nền nông nghiệp của huyện. "Vườn rau má thủy canh này gần Khu Di tích Xẻo Quýt nên có thể mở điểm dừng chân, tham quan vườn rau kết hợp bán sản phẩm..." - ông Sơn hy vọng.
Bình luận (0)