Ngày 8-12, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ, cho biết trung tâm đã lên phương án tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng công trình và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đối với một đoạn thành đá phía Đông Bắc Thành nhà Hồ bị sạt lở vào tháng 9-2017.
Cảnh sạt lở thành đá ở di sản thế giới Thành nhà Hồ
Việc trùng tu, sửa chữa đoạn tường thành bị đổ vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt kinh phí, với số tiền là 14 tỉ đồng.
Theo quyết định, việc tu sửa tường thành đá trên cơ sở thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng tham mưu của các sở, ngành liên quan. Theo đó, toàn bộ đá và đất đá bị sạt lở sẽ được thu dỡ, bóc tách và thu dọn. Phần đá xây và đất đắp thành bị yếu và không đúng vật liệu nguyên gốc ở đoạn tường thành bên cạnh phía tả đoạn tường thành bị sạt lở cũng sẽ được tháo dỡ.
Để đảm bảo tính nguyên mẫu của di sản, đá xây thành phải được thi công theo mẫu đá nguyên gốc (phải thí nghiệm thành phần lý hóa). Gia công đá khối lớn, đục bằng phương pháp thủ công, hoàn thiện bề mặt cho giống với đá Thành nhà Hồ nguyên bản. Hình dáng viên đá phải đồng bộ, khi xếp chồng khít với các viên khác để không bị lệch, hở mạch...
Đoạn tường thành phía Đông Bắc này cũng có nhiều điểm bị sạt lở
Mạch đá bên trong sẽ được xử lý bằng vữa truyền thống gồm vôi trộn mật mía, giấy bản, nhựa thông ngăn không cho nước từ thành đất trôi ra ngoài tường thành đá. Phần chân thành đoạn vách bê tông cốt thép chạy song song và cách chân thành 2,6 m, vách dài 21 m, sâu 2 m, rộng 0,45 m.
Theo ông Nguyễn Bá Linh, đây là dự án liên quan đến di tích gốc, phía trung tâm được giao làm chủ đầu tư đã triển khai, đấu mối với tư vấn để tiếp tục trình duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự toán chi tiết, phương án tu sửa.
Trước đó, Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 16-9, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 10, một đoạn tường thành phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200 m, thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) đã bị sạt lở. Theo báo cáo, điểm sạt lở có nhiều khối lượng đá lớn sạt lở xuống dưới, chắn ngang con đường bêtông cạnh chân thành. Đoạn sạt lở có chiều dài 6,9 m, cao 4 m, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20 m3. Bên cạnh đó, do trải qua thời gian hơn 600 năm, mặt tường thành bị tác động của thiên nhiên làm biến dạng, kết cấu mặt tường thành bị xô nghiêng ra phía ngoài khiến nhiều đoạn có dấu hiệu xuống cấp.
Biển cảnh báo người dân và du khách khi đi qua khu vực sạt lở Thành nhà Hồ
Bình luận (0)