Thấm thoát mà đã hơn 3 thập kỷ tôi bước vào nghề cầm bút. 35 năm ấy, đời văn có biết bao trải nghiệm vui buồn.
Tôi lớn lên ngay thời "đêm trước Đổi mới", vốn ít cánh cửa vào đời. Tốt nghiệp đại học, tôi về một trạm bảo vệ thực vật huyện. Đó là lúc tôi nghèo nhất, lương kỹ sư ra trường thật bèo bọt. Lạ thay, đó cũng là lúc tôi "giàu" nhất, uống nước cầm hơi vẫn ôm giấc mộng văn chương. Tắm trong thực tế trần trụi, lòng tôi trỗi dậy bao trăn trở, bức xúc.
Tuổi trẻ nghèo vật chất nhưng giàu lòng dũng cảm. Tôi và vài đồng nghiệp tin vào chân lý. Chúng tôi cùng nhau đấu tranh chống tiêu cực bằng cả bầu nhiệt huyết. Kết quả là những người tuổi trẻ đi đòi công bằng, công lý bị vùi dập tả tơi. Chúng tôi tan tác, mỗi đứa tìm cho mình một con đường. Cuối cùng, tôi quyết ra đi.
Nghe tôi chuyển nghề, mẹ rầu rĩ: "Lập thân tối hạ thị văn chương". Mẹ lo lắng cho tương lai tôi, sợ hãi thân gái dặm trường, tương lai vô định. Mẹ nói trong các thứ tạo dựng sự nghiệp, văn chương là nghề bấp bênh, trôi nổi nhất. Chẳng mấy ai sống bằng văn chương một cách sung túc, đàng hoàng. Đàn bà lập thân bằng văn chương còn gặp phải bao thứ đoạn trường, trắc trở, nhiêu khê khác.
Thế nhưng, khi lòng đã quyết, không ai ngăn cản được tôi. Năm ấy, tôi mới 25 tuổi, ra Vũng Tàu làm phóng viên truyền hình, viết những dòng đầu tiên của tiểu thuyết "Thị trấn không đèn".
***
Năm 1990, từ Đài Phát thanh - Truyền hình Vũng Tàu, dứt bỏ công việc đang thuận lợi, tôi về Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ở TP HCM công tác. Tôi muốn lập nghiệp nơi thành phố năng động với những bước đột phá về đổi mới vô cùng hấp dẫn, ấn tượng.
Tôi khi ấy là một cô gái trẻ, ngây thơ, nghèo xác xơ, chỉ giàu lòng đa cảm. Giữa thành phố phồn hoa, tôi trọ trong căn phòng trên lầu 3 một ngôi nhà hoang tàn, nóng hầm hập. Lương lúc ấy rất bèo bọt, tôi viết văn, viết báo kiếm thêm tiền trang trải đời sống.
Công việc của tôi ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là làm thuyết minh. Khi vắng khách, tôi rảo bước giữa những phòng trưng bày thênh thang, im ắng. Đằng sau những tấm kính là hàng loạt hiện vật bất động. Tôi lơ đãng nhìn ngắm, chợt một cảm giác kỳ lạ trỗi dậy. Hình như những hiện vật máy môi cử động, hóa thân thành những con người bằng xương bằng thịt, bước ra chất vấn tôi. Chúng như muốn vượt khỏi lồng kính chật hẹp, đòi được hiện nguyên hình, muốn được kể những câu chuyện máu thịt.
Cảm nhận ấy thôi thúc tôi đi tìm, kết nối, thổi hồn vào những hiện vật vô tri trong lồng kính với chủ nhân của chúng trong đời sống thực tế. Với cây bút, quyển sổ tay, chiếc máy ảnh cùng chiếc Chaly bé nhỏ, tôi rong ruổi trên những con đường TP HCM, xộc vào hang cùng ngõ hẻm tìm kiếm nhân vật.
Tôi khám phá TP HCM có nhiều con đường mang tên "Bánh, Bơ, Đường, Đậu". Đó là những anh hùng liệt sĩ dũng cảm, với những cái tên cha mẹ đặt cho thật gần gũi, chân chất; khi hy sinh không bao giờ nghĩ mình được đặt tên đường. Tôi đi tìm lại những nữ biệt động, nữ binh vận Sài Gòn, thấu cảm những nhan sắc mà chúng ta mắc nợ. Những truyện ký về thân phận phụ nữ được ra đời trên tít căn phòng trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trong giờ vắng khách.
Khởi nguồn tìm tư liệu để viết tiểu thuyết "Đêm Sài Gòn không ngủ" về Mậu Thân 1968, tôi được gặp "ông trùm biệt động" Tư Chu, tức Nguyễn Đức Hùng. Thoạt đầu, vị chỉ huy đội quân đặc biệt trong lòng Sài Gòn khiến tôi ngán ngại nhưng đó lại là một người đàn ông thanh mảnh, với gương mặt trầm tư và nụ cười hiền. Ông đã mở lòng để những trang sử biệt động Sài Gòn mở ra với số phận nhiều con người thầm lặng. Chiến sĩ của ông là em bé đánh giày, cô gái quán bar, anh đạp xích lô, cả "yếu nhân" nơi "phủ đầu rồng"; là những cô gái đẹp như hoa, dịu dàng, e ấp nhưng ẩn chứa sức mạnh quật cường, ngùn ngụt lòng yêu nước…
Tôi rung cảm đặc biệt với những thân phận "cò", "vạc" đã làm nên nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn. Tôi tự hỏi điều gì đã giúp họ làm nên bản anh hùng ca bất tử. Và rồi, tôi - một "con vạc" từ Bến Tre lên TP HCM lập thân, lập nghiệp - nghiệm ra rằng chính tính cách thân thiện, hào hiệp, bao dung, công bằng, chí thú làm ăn của người Sài Gòn đã cưu mang những anh hùng, nuôi nấng những nhân tố anh hùng.
Lần theo lời kể của ông Tư Chu, được sự dẫn dắt của lòng đa cảm, tôi đã tìm đến nhiều địa chỉ ở TP HCM, được mở lòng, chia sẻ. Những trang viết đầy thêm mỗi ngày. Tiểu thuyết "Đêm Sài Gòn không ngủ" đã ra đời từ sự rung cảm mãnh liệt với số phận những con người thầm lặng mà nghĩa khí rất đỗi Sài Gòn.
***
Tôi nhớ những năm đầu Đổi mới, phần lớn nhà văn, nhà thơ đều nghèo. Chưa ai sống được bằng nhuận bút.
Lương của tôi không đủ trả tiền nhà trọ. May mà lúc ấy, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ mở dịch vụ tiệc cưới. Tôi gia nhập tổ giặt khăn. Công việc khá nặng nề, tay chân tôi thường xuyên bị ghẻ lở. Nước mắt tủi thân của tôi từng rơi theo những bọt bong bóng xà phòng lúc giặt khăn. Bù lại, thu nhập một tuần giặt khăn hơn cả lương tháng.
Lần đầu tiên mua được chỉ vàng, tôi vui mừng khôn tả. Trưa hôm ấy, tôi rủ nhà thơ Thảo Phương "làm một bữa ngon". Nhận ra vẻ buồn bã khác thường của chị, tôi gặng hỏi. Chị ngập ngừng nói đang cần tiền đóng học phí cho con. Tôi chợt nhớ mình đang đeo trên tay chỉ vàng, vội tháo ra đưa chị. Từ sự chia sẻ những khó khăn trong đời sống thường nhật, bất chấp khoảng cách tuổi tác, tự bao giờ, tôi và chị trở thành đôi bạn vong niên.
Vậy đó, những phận đời "cò", "vạc" đã nương tựa nhau những ngày khốn khó, cùng chia ngọt sẻ bùi, hòa nhau nước mắt nụ cười vinh quang và cay đắng, hẩm hiu bèo bọt đời văn chương. Tôi nhớ những ngày sống trong căn phòng trọ tồi tàn, nóng hầm hập trên đường Lê Văn Sỹ. Trong "hầm bát quái" ấy, tôi đêm ngày luyện lòng kiên nhẫn viết hàng ngàn trang bộ tiểu thuyết "Người đẹp Tây Đô", rồi kịch, rồi phim…
Thời ấy, Báo Sân khấu còn hoàng kim. Tổng Biên tập Minh Khoa không tin cô gái còn quá trẻ như tôi lại sáng tác được truyện "Đêm Xuân" về nỗi niềm vương phi Bích Châu viết "kê minh thập sách" mong thức tỉnh vua. Nhà văn Ngọc Linh phải đưa tôi đến gặp tổng biên tập. Qua cuộc trò chuyện, ông tin, cho in truyện. Nhuận bút lúc ấy được 500.000 đồng, có thể mua được 1 chỉ vàng.
Tôi nhớ những quán cóc vỉa hè, nơi nhiều bạn đọc thơ bừng bừng nhiệt huyết, ôm giấc mộng văn chương viết nên những tác phẩm tâm huyết, để đời, nay kẻ còn người mất, người đã quá già và tôi cũng không còn trẻ nữa. Tôi nhớ những con đường hun hút rơi đầy những cánh hoa dầu đưa tôi đến trường đại học vào ban đêm - sau khi thức tỉnh rằng tuổi xuân ngắn ngủi, nhan sắc sẽ tàn phai, chỉ có tri thức là giàu có theo tháng năm.
Tôi nhớ căn phòng trọ nằm trên tầng 3 ngôi nhà đã xuống cấp chỉ có một cửa, đi học về khuya phải nhờ người mở. Người hàng xóm tốt bụng ấy là một ông già hom hem, lặng lẽ. Hỏi ra, tôi mới biết đó là một người cháu của gia đình Ngô Đình Diệm. Ông giấu thân phận mình trong căn phòng ọp ẹp, cũ nát. Ông có một người con gái sống ở Mỹ, lâu lâu mới gửi chút tiền về cho cha. Có lúc bặt tin con, ông ấp úng hỏi mượn ít tiền. Tôi san sẻ số tiền nhuận bút, đặt vào chiếc phong bì gửi ông. Người đàn ông xuất thân từ một gia đình quyền quý ở Huế rơi nước mắt cảm kích. Chỉ chiếc phong bì mong manh mà bao khoảng cách được xóa bỏ.
Rất lâu rồi, sau khi chuyển nhà, tôi không còn gặp ông. Những phận đời "cò", "vạc" ở thành phố này tụ tán là chuyện thường tình. Song, những phận bèo nương tựa, đùm bọc nhau lúc gieo neo luôn đọng trong ký ức mỗi người.
… Ẩn sau đô thị phồn hoa là một thành phố lặng lẽ, bao dung, nghĩa tình. Nghĩa tình ấy là món nợ, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ với tôi khi đến TP HCM lập thân, lập nghiệp bằng văn chương.
Sài Gòn có mạch nguồn sâu thẳm từ lòng trượng nghĩa của những lưu dân mở đất. Chủ hãng sơn Bạch Tuyết từng chuyển cho cách mạng hàng trăm lượng vàng, không màng được ghi công. Sinh thời, nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông hiến hàng chục lượng vàng cho người nghèo; Anh hùng Lao động - GS Trần Văn Giàu dành hàng trăm lượng vàng lập quỹ giải thưởng mang tên ông... Phong trào hiến tạng, hiến máu đã đi sâu vào cộng đồng. Nhiều quán cơm không đồng dành cho người nghèo như những bông hoa nhân ái thầm lặng nở giữa lòng thành phố phồn hoa.
Tôi thật sự ngưỡng mộ người phụ nữ làm nên thương hiệu Bánh mì Như Lan. Mỗi ổ bánh mì bà kiếm lời chỉ vài ngàn nhưng sẵn sàng tặng 100 triệu đồng cho chị Phan Thị Niết - con của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi cảm nhận nghĩa tình từ những người bạn đã mua tập thơ của mình với cái tâm chia sẻ khó khăn cùng mẹ con chị Niết.
Bình luận (0)