Ngày 10-12, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có tờ trình gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc thành lập đoàn thanh tra việc mua sắm, quản lý, sử dụng que xét nghiệm nhanh (test) HIV, viêm gan và xét nghiệm Elisa tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từ ngày 1-1-2019 đến nay. Thời gian thanh tra là 30 ngày.
Bệnh viện nhận lỗi
Trong tờ trình, Sở Y tế Hà Nội đánh giá vụ việc cắt đôi que test viêm gan B, HIV tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tập thể, có thể ảnh hưởng xấu, gây bức xúc dư luận. Đoàn thanh tra sẽ báo cáo Giám đốc Sở Y tế và đưa ra các hướng xử lý các cá nhân, tập thể sai phạm theo quy định (nếu có).
Sẽ thanh tra việc xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Cùng ngày, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị khẩn trương xác minh làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc gian lận xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; đồng thời yêu cầu bệnh viện kiểm tra, rà soát quy trình xét nghiệm và sai phạm. Khi có kết quả, công khai thông tin xử lý cho cơ quan truyền thông.
Trao đổi với báo chí ngày 10-12, bà Trần Liên Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết vụ cắt đôi que test viêm gan B, HIV vẫn chưa xác minh được có bao nhiêu que bị cắt đôi cũng như mục đích của các nhân viên thực hiện việc này. Phía bệnh viện khẳng định việc cắt đôi que test không phải là chủ trương của bệnh viện và nhận lỗi vì để xảy ra sai sót.
Từng thử nghiệm cắt đôi que test
Trước đó, thông cáo báo chí của bệnh viện phát đi cho biết hành vi cắt đôi que test thử HIV, viêm gan B tại Khoa Vi sinh y học tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chỉ mang tính thử nghiệm, với 40 que được cắt đôi thực hiện cho 80 bệnh nhân.
"Việc kiểm chứng này không phát sinh việc lấy thêm máu của bệnh nhân để xét nghiệm, không sử dụng kết quả của thử nghiệm này để trả kết quả cho bệnh nhân, không sử dụng những kết quả này để thu thêm tiền của người bệnh hoặc thanh toán bảo hiểm y tế" - lãnh đạo bệnh viện khẳng định.
Sau khi tạm đình chỉ 3 nhân viên có liên quan đến vụ việc, bệnh viện đã rà soát các quy trình chuyên môn của Khoa Vi sinh y học và toàn bộ bệnh viện. Theo lãnh đạo bệnh viện, nếu phát hiện vi phạm, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, với 1 bộ test viêm gan B hay HIV, thay vì sử dụng cho một mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân như nhà sản xuất hướng dẫn, kỹ thuật viên Khoa Vi sinh của Bệnh viện Xanh Pôn đã "tiết kiệm" bằng cách cắt đôi mẫu thử để 1 bộ test sử dụng cho 2 mẫu bệnh phẩm. Có hàng ngàn que test bị cắt đôi bị phát hiện. Người bệnh phải đóng 100.000 đồng cho mỗi xét nghiệm nói trên.
Nhiều người có bệnh thành không?
Liên quan đến vụ việc, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết dù là xét nghiệm chính thống hay thử nghiệm nhưng việc cắt đôi que thử là hành vi sai phạm, sai quy định của quy trình khám chữa bệnh và quy trình xét nghiệm.Việc cắt đôi que test chắc chắn sẽ không bảo đảm cho ra một kết quả xét nghiệm chính xác.
Nói về nguy cơ sai lệch kết quả với những que thử đã bị cắt đôi trước khi xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, GS-TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cho biết việc một que test nhanh HIV, viêm gan B chẻ đôi làm cho 2 người hay trộn 4 mẫu máu của bệnh nhân để làm xét nghiệm có thể bỏ sót nhiều trường hợp đã mắc bệnh trong khi kết quả trả lại là âm tính.
"Về nguyên tắc không được phép chẻ dọc que thử xét nghiệm. Khi nhà sản xuất đưa công cụ test nhanh đã phải tính toán rất kỹ, mẫu mã phải trải qua rất nhiều khâu, qua hàng vạn thử nghiệm trên lâm sàng mới đưa ra thị trường. Que test dày, rộng, dài bao nhiêu, lượng kháng thể tích hợp để phát hiện kháng nguyên thì phải bao nhiêu mới phát hiện được mầm bệnh. Nếu cắt đôi que thử sẽ dẫn tới giảm đi phần nào khả năng phát hiện bệnh dẫn tới kết quả xét nghiệm không thể chính xác" - GS Trí giải thích.
GS Trí cũng phân tích thêm trong trường hợp kết quả xét nghiệm là dương tính cũng có thể đúng nhưng với điều kiện lượng kháng nguyên trong mẫu máu gấp đôi. Nếu nồng độ kháng nguyên thấp chắc chắn không thể phát hiện được, gây hiện tượng âm tính giả. Điều đó có nghĩa là đã bỏ lọt những trường hợp đã bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn ra kết quả âm tính.
Sẽ truy tố nếu có dấu hiện hình sự
Tại buổi giao ban báo chí chiều 10-12, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết khi nghe thông tin cắt đôi que test viêm gan B, HIV tại Bệnh viện Xanh Pôn, "lãnh đạo của TP rất sốc".
Theo ông Học, lãnh đạo TP Hà Nội xem đây là vụ việc nghiêm trọng. Do liên quan đến các cơ quan chuyên môn nên giao cho cơ quan chủ quản, cụ thể là Sở Y tế kiểm tra, sau đó báo cáo lên các cấp. Nếu có dấu hiệu hình sự thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. "Nếu như nhẹ thì kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nặng thì truy tố" - ông Học nêu rõ. Ng. Hưởng
Bình luận (0)