Ngày 5-11, tham gia chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong tại kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu tình tạng thời gian qua, một số đoàn thanh tra thường kỳ hoặc đột xuất nhưng không có phát hiện hoặc cố tình không phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra, nên kết luận thanh tra "rất nhẹ nhàng".
Sau khi có tố cáo về kết luận đó, đoàn thanh tra thứ hai vào cuộc thì phát hiện vi phạm. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết dư luận băn khoăn có tiêu cực hay không khi đoàn thanh tra trước đã "giơ cao, đánh khẽ". "Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục" - vị đại biểu đoàn Đồng Tháp chất vấn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ
Trả lời đại biểu, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong thừa nhận thời gian qua, có một số đoàn thanh tra bộ ngành, địa phương khi thanh tra tại địa phương đã ban hành kết luận chưa đúng với bản chất với vi phạm, sai phạm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng Tổng TCCP cho rằng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó, ý thức chấp hành kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ của trưởng, phó đoàn thanh tra và thành viên các đoàn thanh tra chưa cao. Trách nhiệm phát hiện tồn tại, hạn chế, vi phạm chưa đạt như mong muốn.
"Năng lực của một số cán bộ thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là thanh tra sở, ngành. Ngoài ra, do cơ chế chính sách còn bất cập, khi áp dụng để kết luận thì việc phân định đúng sai rất khó khăn, cùng một vấn đề nhưng có các cách hiểu khác nhau" - Tổng TTCP nói.
Cũng theo ông Đoàn Hồng Phong, lãnh đạo của các cơ quan thanh tra chưa có chỉ đạo sâu sát đối với các đoàn thanh tra nên kết quả thanh tra còn nhiều hạn chế, công tác thẩm định kết luận thanh tra còn nhiều bất cập.
Minh chứng cho vấn đề nêu trên, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết vừa qua đã thanh tra chuyên đề trên diện rộng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, TTCP trực tiếp thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP HCM.
Đối với 19 bộ ngành và 61 tỉnh, thành phố là do thanh tra bộ ngành và địa phương chịu trách nhiệm thanh tra. Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện để chuyển cơ quan điều tra chủ yếu ở 3 cuộc do TTCP chủ trì, còn thanh tra bộ ngành, địa phương phát hiện rất ít. "Điều đó minh chứng cho vấn đề đại biểu nêu" - ông Phong nhìn nhận.
Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp trên toàn quốc (ngoại trừ vụ việc Công ty Việt Á do Bộ Công an và công an các địa phương đang điều tra) có 30 vụ việc, nhóm vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra, chủ yếu thuộc 3 cuộc thanh tra ở Bộ Y tế, Hà Nội và TP HCM do TTCP chủ trì. Còn 19 bộ ngành, địa phương có 2-3 cuộc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong
Trả lời đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) về tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết nguyên nhân là do nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn. Theo ông Đoàn Hồng Phong, vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của TTCP chậm ban hành kết luận.
TTCP đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành kết luận thanh tra của 13 cuộc, sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.
Hiện nay TTCP có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước, Tổng TTCP nhấn mạnh qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.
Về giải pháp cho vấn đề này, Tổng TTCP cho biết cơ quan này đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.
Bình luận (0)