Chiều 12-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM để lắng nghe và cho ý kiến về đề xuất rút ngắn quy trình giải tỏa, đền bù và giải quyết các vướng mắc của nhiều công trình quan trọng tại TP.
Chủ động giá đất, giải tỏa đền bù
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết vừa qua, UBND TP đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. Đồng thời, TP HCM cũng làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan thành viên thuộc bộ này, sau đó gom các nội dung, hoàn thành báo cáo và gửi Thủ tướng Chính phủ.
Trong nội dung kiến nghị, Chủ tịch UBND TP cho biết về công tác chuẩn bị lập các thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất với đề xuất của TP. Từ đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP HCM chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hằng năm, làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì buổi làm việc chiều 12-4 Ảnh: GIA MINH
Bên cạnh đó, TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận để TP được ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch. TP sẽ nghiên cứu xây dựng thêm quy định chung về công tác quản lý đầu tư các dự án đầu tư có thu hồi đất trên địa bàn để rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về phương pháp tính hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, TP HCM đã tiếp thu góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP căn cứ vào giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất đã ban hành để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp hằng năm tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Riêng việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, TP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến hướng dẫn về nội dung và trình tự thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên cả nước. Đồng thời hướng dẫn xử lý đối với các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt trước khi có Luật Đầu tư công.
Tạm ứng vốn đẩy nhanh metro, cao tốc, vành đai
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhìn nhận để TP HCM phát triển thì bắt buộc phải có các tuyến đường vành đai, cao tốc. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư xây dựng các dự án này theo quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như với 4 tuyến đường vành đai được quy hoạch tại TP, hiện chỉ đường Vành đai 2 gần khép kín, còn Vành đai 3 và 4 đang hết sức nan giải. Đối với các tuyến đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết quy hoạch TP HCM có 6 tuyến nhưng hiện 2 tuyến được đưa vào khai thác là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương. "TP HCM hiện nay có tình hình ùn tắc giao thông căng thẳng nhất nước, khiến chi phí xã hội chịu tốn kém rất lớn và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Do đó, ngoài gấp rút thực hiện những giải pháp thúc đẩy các dự án đường vành đai, cao tốc theo quy hoạch, việc đặc biệt cấp thiết hiện nay là đẩy nhanh triển khai được hệ thống metro, mà cụ thể là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)" - Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với dự án metro số 1, theo ông Nguyễn Thành Phong, để bảo đảm tiến độ thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng, hạn chế phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách trung ương. UBND TP sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho dự án. Trong trường hợp ngân sách trung ương không thể tạm ứng cho dự án, TP kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho UBND TP được thực hiện tạm ứng từ ngân sách TP.
Bên cạnh đó, TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP HCM; cũng như cho phép TP tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án; ngân sách trung ương sẽ bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.
Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, TP HCM vẫn còn nhiều hạn chế như ở các lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại; đất dành cho dịch vụ đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị không đồng bộ. Bên cạnh đó, một thực trạng hiện nay là tại TP, nguồn nhân lực luôn sẵn sàng nhưng hạ tầng lại chưa đủ đáp ứng và không đủ nguồn lực tài chính công để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kéo theo nhiều khó khăn.
Trước những vấn đề trên, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết vừa qua, TP đã gấp rút thực hiện nhiều đầu việc lớn, trong đó rà soát lại 7 chương trình đột phá và đang thúc đẩy môi trường đầu tư. Năm 2019, TP HCM sẽ thực hiện nhiều giải pháp đột phá về cải cách hành chính, với thước đo là sự hài lòng của người dân. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc TP sẽ tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội trong quý I/2019 của TP HCM, đặc biệt là thực hiện các chương trình đột phá đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP HCM, Thủ tướng nhấn mạnh đây là sự tìm tòi, sự sáng tạo, đề xuất mới của TP. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ đề xuất của TP về vấn đề này, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các ý kiến tại buổi làm việc để cùng TP HCM trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra Nghị quyết để TP được thí điểm quy trình này.
Riêng các kiến nghị của TP liên quan đến tuyến metro số 1, Thủ tướng nhấn mạnh: Cái gì thành phố tạm ứng, cái gì trung ương chịu trách nhiệm đã phân định rõ. Chính phủ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. "Thứ năm tuần sau, các bộ phải trình cho Thủ tướng các đề xuất để xử lý dứt điểm các vướng mắc tại dự án metro số 1, để cuối năm 2020 thông tuyến, năm 2021 đưa vào khai thác" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng thị sát công trường metro số 1
Trước buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM vào chiều 12-4, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát công trường thi công tuyến metro số 1. Tại ga Bến Thành, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, báo cáo với Thủ tướng hiện tổng khối lượng của dự án đạt 63,49%, mục tiêu hết năm 2019 đạt 80%. Dự án này gồm 4 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị, trong đó khối lượng thực hiện cao nhất là gói CP2 (đoạn trên cao và depot), hiện đạt hơn 80% tổng khối lượng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát công trường thi công tuyến metro số 1 sáng 12-4 Ảnh: GIA MINH
Tại công trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các bộ, ngành trung ương đã xin ý kiến cơ quan chức năng, quyết định giao việc điều chỉnh tổng dự toán và những danh mục cụ thể cho TP HCM để TP chủ động triển khai kịp thời. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng..., phải thực hiện các thủ tục kịp thời để bảo đảm nguồn lực cho công trình. Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ và TP HCM nhất định sẽ bảo đảm kinh phí được duyệt, bảo đảm công trình hoàn thành, có khối lượng phù hợp với thiết kế và sự nỗ lực của các bên.
Bình luận (0)