Ngày 2-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023. Phiên họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2-2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Sản xuất còn khó khăn
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các cấp, ngành, địa phương đã quyết tâm triển khai công việc ngay trong và sau Tết Nguyên đán. Trong tháng đầu tiên của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế tháng 1 đạt trên 870.000 lượt - gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế trong tháng 1-2023 cho thấy sự khởi sắc khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 1,2 tỉ USD - cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước xuất siêu 3,6 tỉ USD. Đáng chú ý, thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực. Đến ngày 17-1, tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao. Trước tình hình doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động; lãi suất tăng cao khiến khó tiếp cận vốn sẽ tác động đến sản xuất - kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đánh giá tình hình tháng đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng du lịch tuy sôi động trở lại nhưng còn khoảng cách lớn với thời điểm trước dịch COVID-19. Trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thu hẹp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại nên cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt tín dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023. Ảnh: TRẦN HẢI
Không để thiếu hụt năng lượng
Dự báo tình hình sắp tới sẽ khó khăn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực. Đồng thời, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Thủ tướng lưu ý phải ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng nhóm trong "rổ hàng" tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu năm; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Cùng với đó, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng.
Nhấn mạnh tại phiên họp về khó khăn của thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải xác định đây là nút thắt cần sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác, như trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng "chốt" trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành, đơn vị liên quan không để thiếu hụt năng lượng. Trong đó, bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, giảm khâu trung gian; sớm hoàn thiện, trình sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu; khẩn trương sửa đổi khung giá điện, điều chỉnh giá điện theo lộ trình phù hợp.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới; phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước gắn với thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng của năm, Thủ tướng nhấn mạnh phải tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đối với một số chính sách hỗ trợ còn vướng mắc, như gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá lại, đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc trước ngày 15-2.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ sau Tết. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động quốc gia.
Dịp đầu năm với hàng loạt lễ hội trên cả nước, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nâng cao hiệu quả công tác quản lý để bảo đảm văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong tháng 2, Thủ tướng giao bộ này tổ chức hội nghị du lịch toàn quốc để đón 110 triệu lượt du khách năm 2023, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.
Đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh giá điện
Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra cùng ngày, trả lời báo chí về lộ trình điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc điều chỉnh giá điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định 24 sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2022.
Theo ông Hải, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ những tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Về xử lý khoản lỗ khoảng 31.000 tỉ đồng của EVN năm 2022, ông Hải cho biết Thủ tướng đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện. Ủy ban này đang rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
TP HCM: Hơn 98% lao động trở lại làm việc
UBND TP HCM chiều 2-2 tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết 2023 là năm bản lề, có tính chất quyết định cho cả nhiệm kỳ. "Thành phố sẽ tập trung, dốc sức ngay từ đầu năm để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023"- ông nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết ngày 1-2, TP HCM có hơn 94% doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tỉ lệ lao động trở lại làm việc là hơn 98%. Ông Lâm cho hay các doanh nghiệp dệt may, da giày cuối năm 2022 gặp khó khăn về đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ sớm nhưng sau Tết có đơn hàng mới, công nhân trở lại làm việc đông đủ. Ngay trong quý I/2023, 499 doanh nghiệp tại thành phố cần tuyển thêm 14.300 lao động, gồm: may mặc, da giày tuyển 5.000 vị trí; điện - điện tử tuyển 2.200 vị trí; hóa nhựa tuyển 800 vị trí; lĩnh vực bán buôn cần tuyển hơn 1.000 vị trí.
Để đáp ứng nhu cầu này, ngay đầu tháng 2-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM sẽ tổ chức nhiều phiên, sàn giao dịch để doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu việc làm. Trung tâm cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tiếp sức người lao động tại các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung ứng lao động cho các doanh nghiệp tại TP HCM.
P.Anh
Bình luận (0)