Phóng viên: Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), báo cáo của đoàn giám sát xung quanh vấn đề này cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch để triển khai còn bị vướng, một số quy định còn bất cập. Bên cạnh đó, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chậm, chưa đạt được yêu cầu. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Đại biểu QH LÊ THANH VÂN: Lập quy hoạch chậm là do một số quy định trong Luật Quy hoạch chưa cụ thể nên người tổ chức, triển khai lúng túng. Mặt khác, năng lực của bộ máy còn hạn chế, việc triển khai nhiệm vụ chưa thông suốt, đồng bộ; trách nhiệm cá nhân chưa được đề cao.
Đại biểu QH LÊ THANH VÂN:
Những bất cập này khiến công tác quy hoạch không đạt mục tiêu - chậm nhất là ngày 31-12-2022 phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh. Vì vậy, hoạt động giám sát phải cấp bách, trong đó đề xuất QH có những cơ chế, chính sách, thậm chí sửa Luật Quy hoạch, để tháo gỡ.
Quy hoạch phải có tính dài hơi, phải đi trước một bước. Đây là tiền đề, động lực để đẩy nhanh tiến trình phát triển đất nước. Việc chậm triển khai nhiệm vụ này gây ra những hệ quả gì, thưa ông?
- Hệ quả của việc chậm thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó có tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Tác động đầu tiên là khi quy hoạch chưa được thông qua sẽ ảnh hưởng đến đồ án quy hoạch cụ thể ở các vùng, địa phương và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như dự án khu đô thị, khu công nghiệp. Theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, nhiệm vụ lập quy hoạch phải hoàn thành, sau đó lập quy hoạch các phân khu chức năng rồi mới triển khai các dự án. Rõ ràng, cái gốc mà chưa làm được thì không thể triển khai cái ngọn.
Theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, nhiệm vụ lập quy hoạch phải hoàn thành, sau đó lập quy hoạch các phân khu chức năng rồi mới triển khai các dự án. Trong ảnh: Dự án khách sạn 5 sao ở Quảng Bình với mức đầu tư hàng chục triệu USD sau khi thi công xong phần thô đã dừng nhiều năm nay do “vướng thủ tục”. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Việc chậm lập quy hoạch chính là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, lãng phí thời gian, tiền của, tài nguyên đất nước. Sự lãng phí này không chỉ ảnh hưởng đến một địa phương, một vùng mà thậm chí đến cả nước, ảnh hưởng đến chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Đơn cử, tôi nhận được đơn kiến nghị của một số cán bộ hưu trí về việc Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 quá chậm, khiến cử tri bức xúc. Về khai thác khoáng sản cũng vậy, lẽ ra nếu không phải chờ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch thì đến kỳ hạn, doanh nghiệp phải được cấp phép để hoạt động. Song, do chờ quy hoạch nên hoạt động của cả doanh nghiệp bị "treo", khiến sản xuất đình trệ.
Theo ông, những vướng mắc nào cần phải được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch?
- Luật Quy hoạch được QH thông qua năm 2017, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước bởi quy hoạch phải mở đường cho phát triển. Tuy nhiên, luật này có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, nhiều vấn đề phát sinh rất phức tạp. Đến năm 2019, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Nghị quyết 751 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, Luật Quy hoạch gặp nhiều vướng mắc dẫn đến tiến độ lập quy hoạch chậm so với yêu cầu và mong muốn của Chính phủ, QH.
Ở đây, có 2 vấn đề cần phải được giải quyết rốt ráo. Thứ nhất, phải tháo gỡ về mặt thể chế, luật pháp. Đó là khẩn trương rà soát, bắt đầu từ Luật Quy hoạch và tất cả quy định đang khiến cho việc thực hiện luật này bị ách tắc. Quy định nào gây bất cập, kìm hãm các quan hệ kinh tế, hạn chế sự phát triển của đất nước thì phải sửa ngay, dù mới ban hành. Trong đó, đặc biệt chú ý đến giai đoạn chuyển tiếp giữa những quy định trước và sau khi Luật Quy hoạch ra đời, để các quan hệ kinh tế vận hành bình thường, không đình trệ và không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Thứ hai, phải nâng cao năng lực hành động của các cấp chính quyền, từ Chính phủ cho đến các địa phương. Đặc biệt, phải rà soát trách nhiệm của cán bộ ở từng vị trí cụ thể với nhiệm vụ được giao, nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng sự nhập nhằng giữa các quy định của pháp luật để gây khó cho địa phương, cậy chức cậy quyền để lộng hành, sách nhiễu, tiêu cực.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này?
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, khi dự luật được trình QH thì đó là một chuỗi quy trình, từ thẩm tra cho đến thảo luận rất kỹ, mới thông qua.
Tôi cho rằng ở đây có phần trách nhiệm của một số đại biểu QH vì trong quá trình thảo luận, thấy không hợp lý thì chưa nên bấm nút thông qua hoặc yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.
Tại kỳ họp thứ 3 này, liệu QH có cần ban hành một nghị quyết để giải quyết những khó khăn nêu trên?
- Ngay khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đã gặp nhiều phản ứng từ xã hội. Đó là lý do QH phải thành lập một đoàn giám sát tối cao về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành". Đây là động thái rất tích cực, cầu thị của QH. Trong lịch sử lập pháp, chưa khi nào có một đạo luật mới ban hành mà QH đã phải tiến hành giám sát tối cao.
Vì vậy, ngay tại kỳ họp này, QH phải có một quyết định ở mức độ nào đó để tháo gỡ ngay những bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện cho phù hợp với thực tiễn. Nếu quy định nào trong Luật Quy hoạch đang gây cản trở sự phát triển thì QH có thể ban hành một nghị quyết tạm đình chỉ thi hành quy định đó, hoặc có thể khôi phục các quy định trước đây nếu nó phù hợp thực tiễn. Thậm chí, có thể tiến tới sửa Luật Quy hoạch.
Cùng với đó, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, từ đó xử lý nghiêm sai phạm nếu có.
Bình luận (0)