Ngày 15-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết bộ này đã triển khai rà soát và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Để thị trường quyết định
Kết quả rà soát cho thấy trong 18 ngành nghề thuộc 6 lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ, có tới 163 điều kiện đầu tư kinh doanh. "Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 104/163 điều kiện, chiếm 63,8%; trong đó bãi bỏ 80 điều kiện và sửa đổi 24 điều kiện. Các điều kiện được bãi bỏ, sửa đổi phần lớn thuộc lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước. Cùng đó, đề xuất bãi bỏ 10 thủ tục hành chính gắn liền với các điều kiện đầu tư, kinh doanh được đề xuất" - ông Hùng nói.
Về nguyên tắc cắt giảm, ông Hùng cho hay Bộ TN-MT quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bãi bỏ các điều kiện không cần thiết, không rõ ràng, chung chung, dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau. "Tinh thần là không can thiệp quá sâu vào hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) mà nên để cho thị trường quyết định" - ông Hùng quả quyết.
Theo bảng rà soát các điều kiện kinh doanh do Bộ TN-MT cung cấp, có nhiều điều kiện nếu được loại bỏ sẽ tạo ra hành lang thông thoáng cho DN hoạt động. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường phải có người đứng đầu đạt trình độ từ đại học trở lên. Quy định này theo tổ soạn thảo là "không cần thiết, nhà nước không nên can thiệp vào công tác tổ chức của DN. Mặt khác, trên thực tế, người quản lý chỉ cần kỹ năng quản lý, điều hành không nhất thiết phải có trình độ đại học trở lên".
Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận xét việc cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh sẽ có nhiều tác động tích cực đối với xã hội và các bên liên quan. Cụ thể, người dân và DN sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động đầu tư - kinh doanh bởi họ sẽ cắt giảm được chi phí, thời gian tuân thủ và cả chi phí cơ hội để thực hiện những quy định không thực sự cần thiết. Đầu tháng 6-2018, Bộ TN-MT sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư - kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Lĩnh vực tài nguyên - môi trường đang vướng rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Ảnh: PHƯƠNG NHUNG
Bất cập về tiếp cận đất đai
TS Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Tam nông TP HCM - nhận định càng tinh giản điều kiện kinh doanh thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thực tế là thủ tục hành chính của hầu hết các lĩnh vực còn rườm rà, nhiêu khê và thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên rất nhiều DN không nắm bắt, cập nhật kịp dẫn đến vô tình làm sai quy định.
Cụ thể, một số quy định liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai hiện không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho DN trong việc tìm mặt bằng mở nhà xưởng. Tại TP HCM, tỉ lệ DN thành lập mới mỗi năm rất nhiều, lãnh đạo TP đặt mục tiêu đến 2020 có 100.000 DN hoạt động trên địa bàn.
"Liệu TP đã tính xong bài toán mặt bằng cho chừng ấy DN hoạt động? Đất trong các KCX-KCN có đủ cho DN vào? Với những DN nhỏ không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện thuê đất trong KCX-KCN thì sao? Đã có hiện tượng DN không tìm được mặt bằng tại TP HCM nên chuyển dịch về các tỉnh mở nhà xưởng làm ăn. Trong khi đó, nhiều DN có đất ở các huyện ngoại thành, vùng ven lại không được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất dự trữ nông nghiệp thành đất sản xuất - kinh doanh dù đất đó đang bỏ hoang, không phục vụ sản xuất nông nghiệp" - ông Vũ dẫn chứng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhận định "rừng" thủ tục hành chính và sự nhũng nhiễu, trục lợi của một số cán bộ đang cản trở sự phát triển của DN. DN chỉ mong được cán bộ nhà nước ký giải quyết hồ sơ nhanh hơn một chút là đã góp phần làm GDP tăng trưởng và DN đỡ khổ.
Theo ông Châu, tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai và đang là một nguồn thu quan trọng của ngân sách địa phương. Tiền sử dụng đất đang là "ẩn số", là "gánh nặng", cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế "xin - cho", nhũng nhiễu và DN phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này. Chủ đầu tư dự án đang phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, bằng khoảng trên dưới 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên có thể nói, DN gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai và gánh nặng này cuối cùng người mua nhà phải chịu.
Hồ sơ luôn ùn ứ
Nhiều DN kinh doanh bất động sản cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hiện nay quá nhiêu khê. Những dự án mới 100%, cơ quan cấp giấy chứng nhận phải là cấp TP, sở cho nên dẫn đến quá tải, hồ sơ tồn đọng. Cứ căn cứ theo luật thì chỉ 30 ngày xong hồ sơ nhưng phải 3 tháng hơn mà không hối thúc cũng chưa chắc xong. Vì thế, nên phân quyền về địa phương dù là nhà mới chứ không chỉ có hồ sơ chuyển nhượng qua 2-3 lần mới trả về địa phương như hiện nay.
Bình luận (0)