Kinh doanh lỗ làm thất thoát vốn của DN trước hết do trình độ quản lý DN yếu kém dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Nguy hiểm hơn chính là dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ các DN nhà nước. Vì động cơ cá nhân, những người quản lý đã đầu tư không hiệu quả như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp để được chia phần hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để hưởng lợi ích, phần trăm.
Dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý đi tù vì chuyện quản lý yếu kém để DN lỗ. Cũng không có DN nào để báo cáo đầy đủ lúc nào là lỗ, lúc nào lãi. Thậm chí có DN khi cần báo cáo để tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ.
Kỳ lạ thay, tất cả vấn đề thất thoát lỗ của DN nhà nước ai cũng biết. Chúng ta có cả một bộ máy về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhưng lại không phát hiện. Về mặt chính sách, pháp luật, chúng ta phải xem đến lỗ hổng trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của DN.
Vấn đề thứ hai, xảy ra rất nhiều, làm thất thoát tài sản vốn DN. Đó là chúng ta mua bán tài sản, hàng hóa, dịch vụ theo một công thức là mua đắt, bán rẻ. Tại sao lại xảy ra tình trạng này khi đã có một tổ chức định giá độc lập, một tổ chức đấu giá độc lập nhằm minh bạch hóa việc mua bán tài sản?
Ngay báo cáo giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước cũng kết luận việc định giá và đấu thầu chẳng qua chỉ là hình thức. Giá định giá của cơ quan tư vấn thường rất sát so với giá khi mang ra đấu giá tài sản. Việc lựa chọn cơ quan định giá và cơ quan đấu giá lại lặp đi lặp lại ở một số tổ chức định giá và một số tổ chức tư vấn đấu giá.
Những người tham gia đấu giá vào những vụ đấu giá tài sản nhà nước cũng trùng lặp, có một nhóm người chuyên tham gia vào những lĩnh vực này. Những tổ chức làm tư vấn định giá, tư vấn đấu giá khi lập các dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai, đấu thầu xảy ra tình trạng như trên thì chưa có một tổ chức nào bị xử lý. Tệ hại hơn, khi DN thua lỗ bán tài sản máy móc, thiết bị thì đây lại là cơ hội làm ăn béo bở cho một nhóm người như "kền kền ăn xác chết". Do vậy, cần phải thanh tra, kiểm tra các vụ việc bán tài sản nhà nước và kiểm tra liên quan đến các tổ chức thực hiện chức năng về định giá, thẩm định giá, tổ chức đấu giá để quy trách nhiệm cho những đơn vị tiếp tay làm thất thoát tài sản nhà nước.
Vấn đề thứ ba, việc thất thoát tài sản nhà nước liên quan phổ biến đến đất đai, cái này nổi lên trong thời gian qua khi chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi CPH. Không thực hiện đúng quy định Luật Đất đai mà chúng ta đang sử dụng chủ yếu bảng giá do UBND các tỉnh quy định và điều này làm giá thấp hơn. Như vậy, ngoài trách nhiệm định giá đất đai thấp trong CPH và chuyển đất công sang đất tư của các tổ chức CPH thực hiện chức năng CPH, còn trách nhiệm của UBND hay cơ quan quản lý về đất đai các tỉnh trong việc xác định giá đất này theo quy định của Luật Đất đai. n
(*) Lược trích phát biểu của ĐB Hoàng Văn Cường tại Quốc hội ngày 28-5; tựa đề do Báo NLĐ đặt
Bình luận (0)