Năm 2000, Đà Nẵng đề ra chương trình TP "5 không", tức không có hộ đói, mù chữ, người lang thang xin ăn, người nghiện ma túy, giết người cướp của. Các mục tiêu này sau đó có điều chỉnh để phù hợp với sự chuyển biến của xã hội như tiêu chí "không có người mù chữ" chuyển sang "không có học sinh bỏ học", "không có hộ đói" chuyển sang "không có hộ đặc biệt nghèo".
Tiếp đến, năm 2005, Đà Nẵng đề ra chương trình TP "3 có": nhà ở, việc làm, nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Đến năm 2016 là chương trình TP "4 an": an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội.
Theo ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, 3 chương trình này được đánh giá có tính nhân văn, là nét riêng có của TP Đà Nẵng. Nhờ chương trình này mà sự phát triển kinh tế, xã hội, đô thị và đời sống nhân dân thay đổi theo chiều hướng tích cực, rõ nét.
Đà Nẵng đổi thay diện mạo sau 20 năm qua
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng nhiều tiêu chí của các chương trình "5 không", "3 có", "4 an" đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, cần điều chỉnh, bãi bỏ hoặc bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Đăng Hải, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, nhận định chương trình "4 an" mới thực hiện được 5 năm, phát huy hiệu quả rõ nét, cần tiếp tục duy trì. Đến thời kỳ mới, nên tập trung vào 4 mục tiêu: Học tập, sáng tạo nâng cao chất lượng lao động và khởi nghiệp; giảm nghèo bền vững và làm giàu xứng đáng; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và an toàn cuộc sống; văn hóa giao tiếp ứng xử.
Còn theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, 2 tiêu chí "không có hộ đặc biệt nghèo" và "không có học sinh bỏ học" cần xóa bỏ, tích hợp vào mục tiêu "an sinh xã hội" năm 2020 nhằm hướng đến việc thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều.
"Riêng mục tiêu "không có học sinh bỏ học", TP Đà Nẵng hoàn toàn có thể kết thúc vai trò lịch sử của nó. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần đề ra 2 tiêu chí khác để tích hợp vào mục tiêu "an sinh xã hội" năm 2020: "Không có học sinh bị đuối nước" và "Không có học sinh bị bạo hành" - ông Tiếng đề xuất.
Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh cho biết tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại đang là vấn đề bức xúc nhất, cần có chương trình để tập trung xử lý. Vì vậy, TP dự kiến điều chỉnh mục tiêu "không có học sinh bỏ học" thành "không có trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường" hoặc "không xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em".
Bình luận (0)