Việc miễn nhiệm này thực hiện sau khi UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Công ty Nước sạch Sông Đà nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, vận hành của bể chứa trung gian theo đúng quy định, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Trước khi xả thải, công ty phải có thông báo gửi chính quyền địa phương biết và giám sát, tránh gây hoang mang cho dư luận, người dân trong khu vực. UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Thạch Thất lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Công ty Nước sạch Sông Đà có 2 bể chứa nước trung gian tại thôn Dục với dung tích 30.000 m3/bể.
Ngày 9-10, khi phát hiện sự cố có váng dầu vào nước, Công ty Nước sạch Sông Đà đã ngừng cấp nước vào bể trung gian. Đến ngày 18-10, sau khi có kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước, công ty này đã cho xả kiệt bể số 2 và súc rửa cả 2 bể trung gian. Việc súc rửa không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng công nhân cọ rửa cơ học. Sau khi súc rửa, công ty đã xả nước từ bể trung gian ra môi trường, cụ thể là suối Đồng Bãi thuộc thôn Dục (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) khoảng 2.500-3.000 m3.
Dọc suối Đồng Bãi (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), lớp bùn đen vẫn còn dù Công ty Nước sạch Sông Đà đã xả nước súc rửa bể chứa nước hơn nửa thángẢnh: HUY THANH
Dù qua hơn nửa tháng nhưng tại khu vực suối Đồng Bãi, những dấu vết của việc súc xả vẫn còn rất rõ ràng. Tại vị trí suối tiếp giáp cửa xả của công ty, nhiều lớp bùn, cặn đen ngòm vẫn còn đóng dày từ 3-4 cm ven các bờ đất và trên cỏ. Lớp bùn thải này lại đặc quánh và rất dính tay. Người dân sống quanh khu vực này cho hay dọc theo con suối Đồng Bãi, những dấu vết của chất thải nghi là dầu vẫn rất dễ nhận thấy, có nhiều đoạn chất thải bám dày, đen đặc cả bờ đất.
Theo ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, quy trình súc rửa và xả thải nước súc rửa đều phải rõ ràng nhưng sau sự cố nước nhiễm dầu, Công ty Nước sạch Sông Đà lại xả hàng ngàn m3 nước súc rửa bể chứa ra suối Đồng Bãi mà không xuất trình được quy trình súc rửa và xả thải nước súc rửa ra môi trường thì rõ ràng có vấn đề. Việc cần làm bây giờ là các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay để quan trắc hàm lượng chất thải nếu có trong nước súc rửa đã thải ra môi trường để căn cứ theo kết quả đó mà có biện pháp xử lý những bước tiếp theo.
Về mặt pháp luật, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi của công ty này là không thể chấp nhận được, cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm minh. Theo khoản 1, điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Công ty Nước sạch Sông Đà có thể bị phạt tối đa đến 2 tỉ đồng và có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 nghi định này.
"Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 235 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường: Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể bị phạt tiền từ 12 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-3 năm. Thậm chí, pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điều 79 của bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn" - luật sư Tiền phân tích.
Bình luận (0)