Chiều 22-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân. Luật có hiệu lực từ ngày 1-8-2023.
Luật vừa được thông qua đã bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, gồm: Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân; Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh Nhân dân; 1 trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó Cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đã được Chính phủ báo cáo làm rõ sự cần thiết, lý do, tác động. Đối với các vị trí Hiệu trưởng các trường Đại học An ninh Nhân dân và Đại học Cảnh sát Nhân dân, khi xây dựng Luật Công an Nhân dân năm 2018 không quy định các vị trí này do quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy của Bộ Công an thì các vị trí này chưa được hoàn chỉnh; trong dự thảo Luật lần này bổ sung các vị trí trên có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.
"Việc bổ sung là phù hợp với tổ chức, bộ máy Bộ Công an hiện nay, bảo đảm tương quan với các vị trí cấp tướng khác trong công an nhân dân, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh" - UBTVQH nêu rõ.
Luật cũng đã bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Luật đã bổ sung Trưởng Công an thành phố thuộc Công an TP Hà Nội, Công an TP HCM có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an Nhân dân quy định như sau: hạ sĩ quan 47 tuổi; cấp úy 55 tuổi; thiếu tá, trung tá là 57 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ; thượng tá là 60 tuổi với nam và 58 tuổi với nữ; đại tá là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ; cấp tướng là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
Sĩ quan Công an Nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quy định của Chính phủ. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ, thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ Luật Lao động.
Theo UBTVQH, có nhiều ý kiến đề nghị đánh giá tác động và giải trình về việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân công an. Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, Chính phủ báo cáo, giải trình đầy đủ về đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân công an.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tăng hạn tuổi phục vụ thì kinh phí chi trả (lương cho cán bộ được kéo dài hạn tuổi) ít hơn so với kinh phí chi trả cho việc thực hiện quy định không kéo dài hạn tuổi (lương cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới, lương hưu cho cán bộ nghỉ hưu, chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ mới tuyển dụng để thay thế).
Về biên chế, tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân công an đồng nghĩa với việc không phải tuyển dụng công dân thay thế cho sĩ quan, hạ sĩ quan khi hết hạn tuổi phục vụ; số năm công tác, đóng góp của các đối tượng này cũng được tăng theo, do đó không làm tăng biên chế trong lực lượng công an nhân dân mà còn sử dụng tối đa kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của lực lượng này.
Việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất còn tăng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế; đồng thời, tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhất.
Bình luận (0)