Theo quy định hiện hành, người dân chỉ được vay để trả nợ tại ngân hàng (NH) khác đối với các khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh; không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Thông tư 06/2023 đã bổ sung quy định NH thương mại được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại NH khác với mục đích phục vụ nhu cầu đời sống. Việc mở rộng quy định này giúp khách hàng có thêm lựa chọn.
Đơn cử, một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại NH A nhưng thấy tại NH B, cùng khoản vay mua nhà như vậy mà lãi suất cho vay thấp hơn kèm một số ưu đãi dành cho khách hàng vay vốn mới, thì họ có thể đảo nợ. Khách hàng này có thể đến NH B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà mà mình đang vay tại NH A. Với cách thức này, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn.
Khi vay tiêu dùng cá nhân, như mua ô tô, khách hàng không cần phải có phương án sử dụng vốn. Ảnh: TẤN THẠNH
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều người đang có khoản vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng cho biết hiện vẫn phải trả lãi suất từ 13%-15%/năm. Họ khẳng định sẵn sàng chuyển sang NH khác nếu mức lãi suất thấp hơn.
Anh Lê Tấn Hoàng (ngụ quận 6, TP HCM) cho biết đang vay mua nhà tại một NH cổ phần, lãi suất lên tới 14,75%/năm và 3 tháng nay chưa giảm, dù NH Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động giảm mạnh.
"Tôi thấy một số NH khác công bố gói tín dụng lãi suất thấp, chỉ 8%-9%/năm trong năm đầu hoặc 10%/năm cố định trong 2 năm đầu nên rất muốn tìm hiểu để chuyển sang. Khoản vay mua nhà của tôi có thời hạn 20 năm, giờ đã được 4 năm nên không phải đóng phí phạt trả trước hạn, chỉ lo khâu thẩm định và các khoản phí khác" - anh Hoàng băn khoăn.
Nhu cầu vay để đảo nợ khoản vay tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô không nhỏ, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay có sự phân hóa khá mạnh giữa các NH. Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định quy định này mở rộng đối tượng được vay đảo nợ cho khách hàng cá nhân, góp phần gia tăng lựa chọn khi các NH phải cạnh tranh về lãi suất, dịch vụ, phí để giữ chân người vay. Khách hàng cần tính toán kỹ việc chuyển nợ vay sang NH khác sao cho có lợi nhất, bởi thực chất quy định này không làm tăng quy mô tín dụng chung của ngành NH.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, Thông tư 06/2023 tạo thuận lợi cho khách vay nhưng nếu trả nợ trước hạn, họ phải chịu phí. Khi chuyển được nợ sang NH khác, có thể lãi suất cho vay năm đầu sẽ thấp nhưng về lâu dài sẽ phải điều chỉnh theo thị trường.
"Việc chuyển nợ sang NH khác cũng không đơn giản. Người vay phải hoàn tất thủ tục vay của NH mới, rồi tất toán khoản vay với NH đang nợ. Bản chất của quy định này là mua bán nợ nên có thể sắp tới sẽ có sự chuyển dịch khách hàng giữa các NH thương mại. Bở lẽ, hiện nay, NH thương mại có vốn nhà nước do huy động được lãi suất thấp nên lãi suất cho vay cũng cạnh tranh hơn" - ông Hùng nhìn nhận.
Quy định về phương án sử dụng vốn
Theo NH Nhà nước, Thông tư 06/2023 cũng nêu rõ đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (mua ô tô, trang thiết bị tiêu dùng...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần dùng, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng vốn và nguồn trả nợ.
Với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống - mua nhà hay xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở - thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn. Khi đó, tổ chức tín dụng sẽ có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng nhằm giám sát việc họ sử dụng vốn vay đúng mục đích.
L.Anh
Bình luận (0)