Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Về điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19, Nghị quyết nêu rõ, trong trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền được phép điều động, huy động nhân lực tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách y tế để phục vụ chống dịch
Những đối tượng thuộc diện được điều động, huy động là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam (bao gồm cả người nước ngoài); người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà không cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; sinh viên, học sinh, học viên của các trường thuộc khối ngành sức khỏe...
Về kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, ngân sách nhà nước được thực hiện theo phân cấp như sau: Ngân sách trung ương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do trung ương thành lập, không bao gồm phần ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; ngân sách địa phương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do địa phương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì ngân sách trung ương hỗ trợ.
Theo Nghị quyết, ngân sách nhà nước thanh toán hoàn trả các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phân công của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi thanh toán theo quy định từ nguồn ngân sách nhà nước mà cơ sở y tế công lập đã sử dụng từ nguồn tài chính của đơn vị.
Về cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19, cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.
Về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân do chính quyền địa phương cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị Covid-19 được thực hiện theo mức thanh toán của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.
Đối với việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Bộ trưởng Y tế xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu đối với những nguyên liệu đã nhập về với mục đích khác. Những nguyên liệu này được dùng để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19.
Việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị Covid-19 (không bao gồm vắc-xin) cũng được quy định thời gian thực hiện cụ thể, như 10 ngày với thuốc sản xuất ở nước ngoài đã được cấp phép lưu hành; cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp... bởi một trong các cơ quan quản lý dược chặt chẽ do Tổ chức Y tế thế giới công bố.
Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong thời gian từ 30-12-2021 đến trước 31-12-2022 mà không kịp thời gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của Covid-19, thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2022. Quy định này nhằm bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Về bình ổn giá trang thiết bị y tế, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá, thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Cũng tại Nghị quyết này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị, người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19 được hưởng tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại.
Những người tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian điều trị Covid-19 cũng được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 30-12-2021.
Bình luận (0)