Ngày 22-5, ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, cho biết trong tối 21-5, các đơn vị chức năng đã tiêu hủy đàn heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi tại hộ ông Đinh Thanh Hồng (khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên).
Trước đó vào ngày 12-5, ông Hồng phát hiện 2 con heo nái bị sốt rồi bỏ ăn nên gây chết cho 23 heo con. Số heo chết cũng đã được chủ hộ đem chôn ở vườn nhà. Từ ngày 18 đến 19-5, 27 con heo còn lại (heo cai sữa, heo lứa và heo thịt) cũng bắt đầu có triệu chứng sốt và bỏ ăn. Lúc này, chủ hộ mới thông báo cho cán bộ thú y đến hướng dẫn cách tiêu độc, khử trùng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, trong ngày 21-5, Chi cục Thú y cử cán bộ xuống hiện trường lấy mẫu heo bệnh gửi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy đàn heo của hộ ông Hồng đã mắc bệnh dịch tả heo châu Phi nên tiến hành tiêu hủy 27 con heo còn sót lại.
"Hiện các đơn vị chức năng đang khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu hủy, chống dịch như chốt chặn ở 2 đầu ổ dịch trong bán kính 3 km để theo dõi, giám sát đàn heo trong vùng và vệ sinh tiêu độc sát trùng toàn bộ vùng có nguy cơ. Đề nghị UBND TP Long Xuyên chỉ đạo cho UBND các địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan rà soát số heo bệnh bán chạy với địa điểm và phát hiện, xử lý triệt để theo đúng quy định. Bên cạnh đó, xử lý triệt để các lò giết mổ heo lậu tồn tại trên địa bàn thành phố", ông Hiệp đề nghị.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo các huyện Quảng Điền, Phong Điền và Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) xác nhận đã ghi nhận thêm 6 xã xuất hiện dịch tả heo châu Phi, gồm: Phong Thu, Phong Chương (huyện Phong Điền); Quảng Lợi, Quảng Phú, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền); xã Phú Thượng (huyện Phú Vang). Tại 6 xã này có tổng đàn heo là 131 con của 10 hộ dân trong khu vực nhiễm dịch. Các địa phương đã tiến hành tiêu hủy số heo mắc bệnh.
Xử lý xe chở vận chuyển heo tại tỉnh THừa Thiên - Huế. Ảnh: QUANG TÁM
Ngoài ra, ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cũng cho biết đang đợi kết quả xét nghiệm dịch tả heo châu Phi tại 3 xã khác là Phú Thanh, Vinh Xuân, Phú Đa sau khi ghi nhận tình trạng heo chết, bị bệnh.
Như vậy, đến nay tỉnh Thừa Thiên – Huế có 14 xã, phường thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Vang, TP Huế, thị xã Hương Trà xuất hiện dịch tả heo châu Phi, trong đó chỉ có 1 xã là Phong Sơn (Phong Điền) đã công bố hết dịch, 13 xã còn lại dịch vừa mới bùng phát.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay đã cấp 24.000 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng, các địa phương cũng đã dùng 85 tấn vôi để rải tại các trục đường giao thông, lập 5 chốt chặn để phòng ngừa dịch lây lan.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc phòng chống dịch tả heo châu Phi cũng gặp khó khăn vì lực lượng của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện gặp khó trong mang sắc phục, kiểm tra, giám sát và báo cáo các trường hợp vi phạm Luật Thú y; chưa có vắc – xin phòng ngừa dịch; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 70% nên việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chú trọng và triệt để.
Bình luận (0)