Nhiều tài liệu lịch sử ghi chép, trong thế kỷ XVII - XVIII, vùng biển Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa của nước ta là vùng biển gây ra nhiều bất trắc cho tàu thuyền qua lại. Câu hỏi đặt ra là sự hiểm trở của vùng biển này có liên quan gì đến các chủ quyền của Việt Nam được xác lập ở Hoàng Sa?
Lần giở cứ liệu lịch sử, vào năm 1849, trên tập san Journal of Geographical Society of London ở Anh, tác giả Gutzlaff có bài viết khá dài về vùng biển Hoàng Sa của nước ta. Nội dung có đoạn: "Đây chúng tôi đáng lẽ không kể đến quần đảo Cát vàng, nó gần bờ biển An Nam 15 đến 20 dặm, và lan can giữa các vĩ tuyến 15-17 độ Bắc, và các kinh tuyến 111 và 113 độ Đông, nếu vua xứ Cochinchina đã không xác định quần đảo ấy là của mình, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy hiểm cho người hàng hải.
Cư dân Việt Nam đào giếng lấy nước ngọt ở Hoàng Sa vào năm 1940. Ảnh: TƯ LIỆU
Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài cái bây giờ đã có người ở vĩnh viễn, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh dập qua. Những đảo ấy đáng lẽ không có giá trị nếu nghề chài ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu…".
Dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840), triều đình rất chú tâm đến việc che chở thuyền mành và thủy quân ở quần đảo Hoàng Sa. Bởi lẽ, tàu thuyền của nhiều nước khi đi qua biển Đông đều rất sợ bị mắc cạn, đắm ở Hoàng Sa.
Như dưới thời vua Minh Mạng, ông Eugène Chaigneau - cháu của vị quan người Pháp tên Việt là Nguyễn Văn Thắng thời vua Gia Long - khi sang làm Phó Lãnh sự nước ta năm 1830, đi tàu Saint Michel và đã bị đắm ở đó. Sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn ghi lời ông kể thì "tàu này bị đắm ngày mồng 9 tháng 8 năm 1830 trên ghềnh đá thuộc Paracels cách Tourane chừng 80 cây số...".
Năm 1832, một viên chức của triều đình là Lý Văn Phức đi tàu sang Philippines, cũng suýt bị nạn ở Hoàng Sa. Ông đã ghi lại cảm tưởng kinh khủng khi thấy bóng bãi cát ấy trong bài tựa và bài thơ đề "Vọng kiến Vạn lý Trường Sa tác", được Tập san Sử Địa số 29 ghi lại: "… Ấy là chỗ rất hiểm, có tiếng từ xưa đến nay. Tàu thuyền qua đó, thường kiêng dè vì không thấy nó. Ấy là vì chân bãi cát ra rất xa. Một khi đi tới đụng phải thì không thể trở lại.
Ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1832), thuyền (Định Tường) rời khỏi khu vực Quảng Ngãi, đã vào vùng biển trấn Bình Định. Trù tính là không lầm (mắc cạn), một đường thẳng vo, lấy hướng kim Mão Ất (Đông, hơi xế Nam) mà tiến. Thình lình trưa hôm sau, ngóng trông thấy nó. Sắc cát lờ mờ, khắp chân trời đều trắng. Tất cả người trên thuyền, trong lòng bừng bừng, nước mắt rưng rưng. Trên thuyền, ngoảnh hỏi đà công (người cầm lái). Y là một tay lão luyện Tây Dương. Nó nói rằng: "Lấy thước Đạc-thiên (lục phân) mà đo thì may thuyền chưa phạm vào chân bãi cát, còn chuyển buồm kịp". Bè lấy hướng kim Dậu (Tây), nhắm Quảng Ngãi mà lùi. May nhờ phúc lớn của triều đình, về đến cửa bể Thái Cần mà tạm đỗ. Cuối cùng không việc gì...".
Các cứ liệu lịch sử cũng ghi nhận được quan quân triều đình, cư dân Việt đã tìm ra nhiều phương kế để khắc chế hiểm trở, hạn chế tàu thuyền qua lại mắc cạn tại bãi Cát vàng - Hoàng Sa.
Bia chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa được dựng vào năm 1930. Ảnh: TƯ LIỆU
Đó là vào năm 1833, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho Bộ Công: "Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông sâu. Gần đây, thuyền buồm thường mắc cạn (bị thiệt hại nhiều). Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia, và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối xanh tốt, người ta dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời". ("Đại Nam thực lục" đệ nhị kỷ, quyển 104).
Tháng 6 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng cho xây đền thờ thần biển ở Hoàng Sa và quan trọng hơn là gieo phủ hạt giống để trồng cây ở đảo. Trước đó, đời vua Gia Long, khi xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa năm 1816, nhà vua cũng cho lập một miếu thờ. Sách "Đại Nam thực lục tiền biên", quyển 154 chép: "Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um. Giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ "Vạn lý Ba Bình". Năm ngoái, vua định lập đền, dựng bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến đền, cách chỗ miếu cổ 7 trượng (33 m). Bên tả đền dựng bia đá, phía trước đền xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về".
Sách "Đại Nam nhất thống chí", quyển 2, trang 370, chép thêm: "Hoàng Sa còn gọi là Hoành Sa (bãi cát chắn ngang). Năm Minh Mệnh thứ 16 sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền thờ, dựng bia đá và gieo hạt các thứ cây ở ba mặt tả, hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang có đến hơn hai ngàn cân...".
Qua các tư liệu lịch sử nói trên có thể nói rằng vùng biển tại bãi cát vàng Hoàng Sa là chỗ rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại thời đó. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ khai thác và bảo vệ chủ quyền lãnh hải, các vua nhà Nguyễn đã cho thủy quân ra đảo trồng cây để tàu thuyền từ xa có thể trông thấy nhằm xử lý tránh mắc cạn. Đồng thời, để trấn an tinh thần người đi biển, triều đình cho xây đền thờ Thần mong cầu sự che chở cho những tàu thuyền qua lại. Những rừng cây trên đảo Hoàng Sa và dấu tích miếu cũ là chứng tích không thể chối cãi chủ quyền biển đảo mà tổ tiên ta đã xác lập từ hàng trăm năm trước...
Bình luận (0)