Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết hiện toàn TP có 151 khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19…với khối lượng rác thải nguy hại phát sinh là 67 tấn/ngày. Trước thực tế này, tuần qua, Bộ TN-MT đã đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT thành phố tăng cường thêm 3 đơn vị chuyên xử lý rác thải nguy hại này.
Nâng công suất tối đa lên 120 tấn/ngày
Ba đơn vị vừa được tăng cường để tham gia xử lý rác thải nguy hại gồm Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu - nơi có 2 lò đốt chất thải công nghiệp công suất 1.000 kg/giờ/lò; Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, hiện có 2 lò đốt công suất 1.000 kg/giờ/lò và Công ty CP Ðầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa với hệ thống 14 lò đốt xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Tây Bắc. Tuy nhiên, trong 3 đơn vị này, 2 đơn vị chính thức tham gia là Mộc An Châu và Sài Gòn Xanh, trước đó 1 đơn vị được Sở TN-MT đề xuất tăng cường và đã thực hiện thu gom là Công ty CP Môi trường Việt Úc với công suất xử lý 5-7 tấn rác/ngày, bắt đầu thu gom từ ngày 17-7.
Đại diện Công ty Mộc An Châu cho biết do đã chuẩn bị sẵn các phương án ngay sau khi có đề xuất của Sở TN-MT nên khi được Bộ TN-MT đồng ý là ngày 20-7, đơn vị bắt tay vào thu gom và xử lý rác y tế với 50 công nhân và 6 phương tiện, công suất 10 tấn rác/ngày. "Chúng tôi nỗ lực hết sức để thu gom, xử lý nguồn rác phát sinh do dịch bệnh và sẵn sàng nâng công suất thu gom, xử lý khi có yêu cầu của TP" - đại diện công ty này cho biết.
Tương tự, Công ty Việt Úc cũng đưa phương tiện vào thu gom từ ngày 17-7. Còn đại diện Công ty Sài Gòn Xanh thì cho hay đã sẵn sàng các phương án thu gom, xử lý và đang chờ Sở TN-MT "bấm nút" là lập tức vào cuộc. Riêng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố - đơn vị xuyên suốt xử lý chất thải nguy hại cho thành phố ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch bệnh, cũng đang vận hành 3 lò đốt nhiệt độ cao theo công nghệ hiện đại với công suất 42 tấn/ngày. Các lò đang hoạt động 24/24 nhằm xử lý nhanh, kịp thời chất thải phát sinh do dịch bệnh.
"Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị, hiện nay, công suất xử lý rác thải y tế của các công ty nêu trên có thể đạt tối đa 120 tấn/ngày, bảo đảm không để xảy ra tình trạng quá tải" - ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định. Về tần suất thu gom, theo Giám đốc Sở TN-MT, nơi nào phát sinh nhiều thì sẽ thu gom 5 - 6 lần/ngày, nơi nào lượng rác ít thì thu gom 1 lần/ngày. Ngoài ra, để công tác thu gom nhanh, tiện lợi, những nơi có lượng rác ít, tương đối, đơn vị thu gom sẽ bố trí thùng nhựa loại 240 lít, nơi có lượng rác lớn ngoài thùng nhựa sẽ bố trí thêm xuồng lớn, dễ dàng đưa rác lên xe ép.
Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM thu gom rác tại khu cách ly ký túc xá ÐHQG TP HCM
Không để tắc ở bất cứ khâu nào
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố, quy trình thu gom, xử lý rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Rác thải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom của công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) phải được phun xịt khử khuẩn. Khi về đến công trường, rác tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong phải được hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.
Vì vậy, để mọi việc an toàn và thuận lợi, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. "Tổ kiểm tra, giám sát có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tình hình thu gom, xử lý rác tại các điểm cách ly. Ðồng thời, phải tổng hợp báo cáo cho giám đốc công ty và Sở TN-MT theo quy định. Sau khi kiểm tra, phản ánh kịp thời về ban chỉ đạo của công ty các vấn đề phát sinh. Từ đó đề xuất giải pháp, bảo đảm không để tồn đọng rác làm ô nhiễm môi trường và hạn chế lây lan mầm bệnh" - đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh để tương tác, xử lý nhanh việc thu gom, xử lý rác, Sở TN-MT thành phố đã lập 2 group phản ứng nhanh trên Zalo. Group 1 gồm 3 khối: Ðơn vị quản lý, nơi phát sinh nguồn thải và đơn vị thu gom. Group 2 gồm đại diện các khu cách ly và lãnh đạo Sở TN-MT. Thông qua các group này, khi có sự cố, vướng mắc cần tháo gỡ, các đơn vị sẽ tương tác ngay và tìm cách tháo gỡ kịp thời. "Việc xử lý chất thải nguy hại phát sinh do dịch bệnh đều được Sở TN-MT báo cáo mỗi ngày cho lãnh đạo UBND thành phố, ngoài Phòng Quản lý Chất thải rắn của sở giám sát chuyên ngành thì Ban Quản lý Khu Liên hợp xử lý chất thải cùng tham gia giám sát, giải quyết nhanh các vướng mắc" - ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay.
Mở rộng quy mô bằng công nghệ hiện đại
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình vừa chỉ đạo việc thực hiện các chỉ tiêu đốt rác phát điện trên địa bàn thành phố. Cụ thể, yêu cầu giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư giải quyết dứt điểm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án của Công ty CP Vietstar theo đúng quy định hiện hành, hoàn tất trước ngày 30-7; trường hợp chậm trễ thì giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
Giao Sở TN-MT khẩn trương tổ chức làm việc với các chủ đầu tư có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thống nhất về phương thức mở rộng quy mô, công suất đốt rác phát điện và các công nghệ xử lý hiện đại khác của các nhà máy hiện hữu. Ðặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khối lượng thải rắn sinh hoạt phát sinh tại TP HCM được xử lý bằng công nghệ hiện đại.
Bình luận (0)