Ngày 6-7, ngành y tế tỉnh Đắk Nông vẫn đang thực hiện những biện pháp để dập các ổ dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp.
Không chỉ tại các ổ dịch cũ xuất hiện thêm ca bệnh mới mà bạch hầu đã xuất hiện ở các điểm khác, nâng tổng số ca mắc lên 25 người, trong đó có 2 cháu nhỏ đã tử vong. Cùng với việc lập các điểm chốt chặn, khoanh vùng, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại ổ bệnh, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã tổ chức khử khuẩn, khám sàng lọc, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vắc-xin phòng chống bạch hầu tại các ổ dịch và các khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa - Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long - cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 2 học sinh Trường THCS Quảng Hòa mắc bạch hầu, nâng tổng số lên 7 ca, trong đó 1 trường hợp tử vong. Sau khi xảy ra dịch bệnh, ngành y tế đã triển khai tiêm vắc-xin phòng chống bạch hầu bổ sung cho toàn bộ dân với gần 5.000 người từ 7 đến 40 tuổi. Đến ngày 6-7, ngành y tế đã tiêm vắc-xin được trên 90% dân số.
Cấp phát thuốc và tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bạch hầu cho người dân tỉnh Đắk Nông Ảnh: TUẤN KHANG
Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết bạch hầu xuất hiện ở Tây Nguyên từ năm 2013, đầu tiên là ở huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai. Trên thế giới, chưa quốc gia nào công bố là thanh toán được bệnh bạch hầu mà bản chất vẫn tồn tại trong dân. Tại tỉnh Đắk Nông, quá trình sàng lọc phát hiện 4 ca người lành mang trùng, không có biểu hiện bệnh. Nếu những người này di chuyển tới vùng miễn dịch tốt thì không sao nhưng tới vùng lõm tiêm chủng, gặp những người không có miễn dịch thì sẽ lây lan bệnh.
Ông Chiến cho rằng ở Việt Nam việc tổ chức tiêm chủng mở rộng thực hiện tốt. Nếu không có tiêm chủng thì chỉ cần vài ngày xuất hiện ca bệnh là có thể sẽ bùng phát lên vài trăm người mắc. Tuy nhiên, trong tiêm chủng có tỉ lệ không đáp ứng miễn dịch nên mới xảy ra tình trạng người tiêm vẫn mắc bệnh. Các tỉnh Tây Nguyên có quá nhiều vùng lõm về tiêm chủng và 92% số người bị bệnh bạch hầu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng mở rộng chỉ bảo vệ đến khoảng 5-7 tuổi. Độ tuổi trên 7 có thể bị giảm, mất miễn dịch khi gặp các tác nhân thì xuất hiện các ca bệnh. Do đó, khuyến cáo người dân đến 7 tuổi, 12 tuổi, 18 tuổi phải tiếp tục tiêm nhắc lại.
"Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã hướng dẫn nâng cấp phòng thí nghiệm của các tỉnh để xét nghiệm được bệnh bạch hầu. Hiện tỉnh Đắk Nông đã xét nghiệm được bạch hầu còn tỉnh Kon Tum đang được hướng dẫn làm xét nghiệm, đáp ứng nhanh trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, hiện đang kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ vắc-xin bạch hầu" - ông Chiến cho biết thêm.
Phát hiện muộn dễ tử vong
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thừa nhận trong 3 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu vừa qua có nguyên nhân do phát hiện muộn. Đối với các trường hợp phát hiện sớm, chỉ cần điều trị 3-5 ngày là âm tính với bạch hầu. Ở Tây Nguyên, hầu như những ca tử vong đều là ca đầu tiên. Các bác sĩ mới về hiện nay hầu như không có hình ảnh bạch hầu trong quá trình đào tạo vì mười mấy năm không có ca bệnh. Ngoài việc tổ chức tập huấn ở Đắk Nông vừa qua, sắp tới, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sẽ tổ chức các lớp đào tạo, trang bị kiến thức cho các bác sĩ ở Tây Nguyên về căn bệnh này.
Bình luận (0)