Chiều 9-12, kỳ họp thứ 4 HÐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra phiên bế mạc. Dự phiên bế mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Tại phiên bế mạc, HÐND TP HCM đã thông qua 25 nghị quyết, tạo tiền đề cho thành phố phát triển bứt phá trong năm 2022.
Lập tức "bơm" vốn cho các dự án trọng điểm
Trong 25 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, có rất nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề ngân sách. Ðáng chú ý là Nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước, thu chi ngân sách TP HCM năm 2022. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 386.568 tỉ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,3% so ước thực hiện năm 2021.
Kế đến là Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022. Theo đó, đại biểu HÐND thành phố thống nhất với phương án dự kiến bố trí nguồn vốn trung ương bố trí cho thành phố năm 2022 là 2.479 tỉ đồng. Nguồn vốn này được bố trí cho các dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Ðệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Ðồng Nai qua sông Sài Gòn (1.000 tỉ đồng); xây dựng nút giao thông An Phú (365 tỉ đồng); xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh 120 tỉ đồng...
Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP HCM là 42.500 tỉ đồng. TP HCM cũng dự phòng kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 13.043 tỉ đồng sử dụng để tiếp tục bố trí bổ sung vốn cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công được HÐND thành phố thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố trong các đợt điều chỉnh, bổ sung. HÐND giao UBND thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của từng số liệu, số vốn bố trí của từng dự án; có giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn được giao bảo đảm đạt trên 95% theo quy định.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Ðáng chú ý, HÐND TP HCM cũng thông qua nhiều quyết sách để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân thành phố trong kỳ họp này. Ðầu tiên phải kể đến Nghị quyết chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố trong học kỳ II năm học 2021-2022.
Kế đến là Nghị quyết về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp. Theo đó, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ cơ sở vật chất một lần. Mức hỗ trợ với cơ sở dưới 30 trẻ là 20 triệu đồng; 30-50 trẻ là 35 triệu đồng; 50-70 trẻ là 50 triệu đồng. Các trẻ học tại những cơ sở này cũng được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học. Giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở này cũng được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận.
Theo UBND TP HCM, việc hỗ trợ học phí cho học sinh nhằm kịp thời hỗ trợ và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thêm một nghị quyết được thông qua để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn là các đại biểu HÐND thành phố đã thống nhất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 như năm 2021. Đây là năm thứ 4 thành phố không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất.
Ðại biểu HÐND TP HCM thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 HÐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026
Hai nhóm vấn đề cần làm ngay
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HÐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định 25 nghị quyết được thông qua là những nghị quyết hết sức quan trọng, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân thành phố năm 2022 và nhiều năm tới.
Chủ tịch HÐND TP HCM nhìn nhận trong bối cảnh những tháng cuối năm 2021 và nhìn đến năm 2022, tình hình dịch bệnh với biến chủng Delta vẫn tiếp tục gây nhiều vấn đề rất đáng quan ngại và hiện nay với biến thể mới Omicron đang lây lan nhanh hơn (gần 500% so với biến thể Delta). Do đó, để thực hiện tốt chỉ đạo theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", Chủ tịch HÐND TP HCM đề nghị 2 nhóm vấn đề lớn. Một là, đối với các nghị quyết của HÐND thành phố đã được thông qua tại kỳ họp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từng tập thể, cá nhân triển khai và phối hợp thực hiện nghiêm, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao. Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết trong năm 2022, HÐND thành phố tập trung giám sát chuyên đề về thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố; Nghị quyết 54/QH/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM...
Hai là, đề nghị UBND TP HCM phải tập trung triển khai tích cực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương và của thành phố trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thực hiện có hiệu quả các kịch bản về tăng trưởng để có giải pháp thiết thực, hiệu quả bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đẩy mạnh thực hiện chủ đề năm nhằm tạo môi trường, điều kiện thu hút các đối tác chiến lược, tiềm năng vào thành phố; tập trung đầu tư hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, tăng cường giám sát các vụ việc tồn tại, kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo xử lý dứt điểm nhằm phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm như kỳ vọng đã đề ra.
UBND thành phố cần tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, nhất là những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19. Ðặc biệt, phải chủ động có phương án mở cửa trường học cho các bậc học phù hợp với lộ trình tiêm vắc-xin, trước mắt cần thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện bình thường mới đối với lớp 9 và 12.
Năm 2025, TP HCM sẽ trở thành đô thị thông minh
Tại kỳ họp, HÐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 TP HCM trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD. Ðến năm 2030 là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Ðông Nam Á...
Bình luận (0)