Có ai ngờ được chuyện tai bay vạ gió. Biết bao thảm họa đã xảy ra, tang thương trên các vùng miền cả nước, từ lũ quét về trong đêm hôm, cuốn phăng nhà cửa, cướp đi sinh mạng nhiều người ở vùng núi cao; những trận bão kinh hoàng tràn qua các tỉnh, thành vùng duyên hải gây bao tang thương đến những vụ hỏa hoạn trong khu dân cư hay xe khách, xe tải gây tai nạn hãi hùng, con số thương vong chỉ nghe đã lặng người.
Nhưng nếu nó là thảm họa thiên nhiên, đã đành một lẽ, mà đau xót là bởi con người, khi con người là một trong những tác nhân gây nên thảm họa.
Trong vụ hỏa hoạn ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước ngày 22-11, đừng trách người dân ở gần hành lang an toàn quốc lộ, bởi còn do thói quen làm ăn buôn bán mà lấn ra đường. Nhiều trường hợp trước khi quy định về chỉ giới an toàn quốc lộ ra đời thì người dân đã sống bên quốc lộ. Chỉ đáng trách là chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi làm đường mới, khi quy hoạch đã không dự liệu, không giải quyết được bài toán dân sinh hợp lý hợp tình cho những trường hợp chính đáng và không mạnh dạn xử lý tình trạng lấn chiếm sau này. Và đáng trách hơn là tài xế xe bồn đã chạy qua khu dân cư với tốc độ lên đến 96 km/giờ, xe lại chở nhiên liệu dễ gây cháy nổ mà không tuân thủ luật lệ giao thông cũng như quy định về an toàn, đã gây nên thảm họa cho nhiều người. Chính tài xế cũng bị trọng thương, đang điều trị ở bệnh viện.
Trong vụ mưa lớn gây sạt lở ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm 20 người thiệt mạng, đáng thương những người dân nghèo đã lấn núi làm nhà ở, bởi họ không có sự lựa chọn nào khác và chính quyền địa phương cũng thấu hiểu hoàn cảnh của người nghèo mà tặc lưỡi cho qua, để người nghèo có chỗ trú ngụ. Nhưng chính một tác nhân gây ra thảm họa ở xóm Núi, Nha Trang nặng nề hơn là doanh nghiệp xây cơ ngơi, công trình đã làm bể bơi vô cực khiến cho phía trên thành hồ tích nước. Lúc mưa lớn, thành hồ không chịu nổi sức nước đã bục ra và nhà dân phía dưới đã bị cuốn trôi, sụp đổ, khiến cả gia đình thầy giáo Trần Hoàng Phong 4 người đều thiệt mạng.
Rõ ràng, những thảm họa này đều có thể không xảy ra nếu ý thức con người được nâng cao, nếu doanh nghiệp xây dựng công trình ở Nha Trang hay tài xế xe bồn biết nghĩ tới hậu quả sẽ xảy ra khi mình làm sai nguyên tắc, sai quy định. Đến lúc xảy ra thảm họa, dù có tiếc nuối, hối hận bao nhiêu đi nữa thì cũng đã muộn rồi. Với chính quyền địa phương nhiều nơi có quốc lộ và tình trạng nhà dân ở sát hành lang, cần xem xét lại để có biện pháp xử lý, nhằm bảo đảm an toàn cho dân.
Cha ông ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để ngăn ngừa thảm họa tương tự, hãy rà soát lại những trường hợp có thể gây nguy cơ tai nạn. Các tài xế cũng phải răn mình luôn cảnh giác, tuân thủ an toàn khi ôm vô lăng vì sinh mạng của bản thân và của cả bao người. Cái giá phải trả là quá đắt, không có gì bù đắp nổi.
Bình luận (0)