Tối 4-10, trong vai hành khách cần mua vé xe về Lâm Đồng, chúng tôi ghé nhà xe Thành Bưởi trên đường Vĩnh Viễn, quận 10, TP HCM.
Ngang nhiên, rầm rộ
Thấy vắng vẻ, chúng tôi hỏi bảo vệ nhà xe các phương tiện còn hoạt động không thì được trả lời chắc nịch vẫn hoạt động bình thường. "22 giờ đi Đà Lạt nên từ 21 giờ 30 phút, hành khách mới tới. Muốn đi liền thì qua đường Lê Hồng Phong mua vé" - bảo vệ nói.
Theo ghi nhận, nhà xe này vẫn đón khách tại số 268 Lê Hồng Phong, quận 5 và số 1 Vĩnh Viễn, quận 10. Từ hơn 21 giờ, một số hành khách đổ về 2 điểm này. Mọi hoạt động có phần "khiêm nhường" hơn so với trước thời điểm vụ tai nạn làm 5 người chết ở tỉnh Đồng Nai hôm 30-9.
Không chỉ Thành Bưởi, tại quận 5, một số nhà xe hợp đồng tuyến cố định có dấu hiệu trá hình vẫn hoạt động đón trả khách như bình thường. Cụ thể, nhà xe Biển Việt Xanh, Hùng Hiếu vẫn đón khách tại địa điểm kinh doanh trên đường Hùng Vương; nhà xe Ngọc Khải đón khách trên đường Nguyễn Chí Thanh…
Ra khỏi nội thành TP HCM, dọc các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội… là "đại bản doanh" của nhiều nhà xe. Trong đó, trên đường Liên Phường, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, chỉ một đoạn chừng 200 m mà có đến 5 nhà xe hoạt động, gồm: Tâm Hạnh, Hà Phương, Nam Hải, Kum Ho, Hạnh Cà Phê. Các nhà xe này chủ yếu đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa... Ở đây, hoạt động vận tải hành khách như "thế giới riêng", khách ra vào gửi hàng hóa hoặc lên xuống xe đi các tỉnh, thành hết sức nhộn nhịp.
Rời đường Liên Phường, chúng tôi đến các bến cóc ở TP Thủ Đức. Cách Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) 1 km là bãi đất trống được quây tôn nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Nơi đây hoạt động như bến xe thu nhỏ với hàng chục nhà xe như Hoàng Long, Hai Trâm, Ngọc Ánh… đi các tuyến từ Vũng Tàu, Lâm Đồng đến Bình Định, Hà Nội…
Cách đó không xa là bãi xe của Công ty TNHH Vận tải Thành Công với 2 mặt tiền ở Quốc lộ 13 và Quốc lộ 1, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Dù được quảng bá và ghi biển báo chỉ nhận hàng hóa nhưng trong bãi có hơn 10 xe giường nằm đậu, chờ đến giờ đón khách.
Bãi xe của Công ty TNHH Vận tải Thành Công liên tục lên xuống khách Ảnh: ANH VŨ
Trên xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, đoạn gần ngã tư Thủ Đức cũng có 3 bến cóc của nhà xe Tiến Anh và nhà xe Quang Danh. Các nhà xe này liên tục đón nhận khách, tấp nập trả hàng hóa thậm chí ngay trên đường.
Xe bến cũng "chân trong chân ngoài"
Trưa 6-10, chúng tôi đặt vé xe Kum Ho từ Bến xe Miền Đông mới đi TP Vũng Tàu theo số điện thoại tổng đài. Nhân viên nhà xe nói xe không đậu tại Bến xe Miền Đông mới (đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình) và hướng dẫn chúng tôi đến đường Liên Phường. Theo nhân viên này, ở đó cứ 45 phút xe xuất bến một lần. Chuyến xe chúng tôi đặt bắt đầu chạy lúc 14 giờ 45 phút cùng ngày.
14 giờ, chúng tôi đến địa chỉ 297 Liên Phường, phường Phú Hữu. Tại khu vực rộng gần 400 m2 có cửa được rào kín bằng tôn, bên trong không khác gì một bến xe khách với nhân viên túc trực, nơi in ấn vé, hàng ghế cho khách chờ và 6 xe đậu. Chúng tôi được nhân viên phát vé xe với giá 165.000 đồng có ghi rõ biển số, thông tin khách hàng, điểm lên - xuống, mã tra cứu...
Vé xe được nhà xe Kum Ho giao cho hành khách Ảnh: ANH VŨ
Khoảng 30 phút có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận xe Kum Ho đi hoặc đến từ các tỉnh, thành vào bãi liên tục. Theo tìm hiểu, hành khách đến Bến xe Miền Đông mới cũng không được lên xe ở đây. Hành khách được nhà xe đưa trung chuyển bằng xe buýt hoặc ghép xe khác đến vị trí này để lên xe rồi mới xuất bến.
Trong suốt quá trình có mặt trên xe, chúng tôi nhận thấy xe này vô tư tấp vào lề đường bất cứ lúc nào để đón, trả khách theo yêu cầu.
(Còn tiếp)
Tiết lộ của chủ doanh nghiệp
Trong vai nhân viên nhà xe ế ẩm sau khi di dời ra Bến xe Miền Đông mới, chúng tôi than thở thì được bà T., chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải xe hợp đồng tại quận Bình Tân, hướng dẫn xin vào HTX chạy xe hợp đồng để hoạt động. Nếu không thì rủ thêm vài xe, cứ đủ 5 chiếc là thành lập DN kinh doanh vận tải, "tự làm tự ăn".
Bà T. cho biết thủ tục thành lập DN kinh doanh vận tải hiện nay rất dễ. "Chỉ cần 5-7 ngày là có giấy phép kinh doanh vận tải. Khi nào có giấy phép thì kiếm khách chạy thôi" - bà tiết lộ.
Theo bà T., trong quá trình hoạt động, nếu vi phạm, DN có thể bị Sở Giao thông Vận tải địa phương rút giấy phép kinh doanh. Thế nhưng, vừa rút hôm trước, hôm sau nhà xe có thể nhờ người đại diện khác đứng tên, thành lập DN khác cũng hoạt động vận tải...
Bình luận (0)