xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Theo học ngành "đặt hàng", sinh viên sư phạm ở Thanh Hóa ra trường bơ vơ

Tuấn Minh

(NLĐO)- Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa có chủ trương sẽ tuyển 20 chỉ tiêu/ngành/năm đối với sinh viên sư phạm tốt nghiệp từ đề án đào tạo chất lượng cao, thế nhưng ngay trong khóa tốt nghiệp đầu tiên, 22 sinh viên ra trường vẫn bơ vơ

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa có chỉ đạo giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh này chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức tổng hợp, xây dựng phương án tuyển dụng số sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 từ Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, ngành sư phạm (gọi tắt là Đề án) của Trường ĐH Hồng Đức.

Theo học ngành đặt hàng, sinh viên sư phạm ở Thanh Hóa ra trường bơ vơ - Ảnh 1.

Trường Đại học Hồng Đức, nơi 22 sinh viên theo học ngành sư phạm chất lượng cao theo Đề án, ra trường chưa tìm được việc làm

Trước đó, vào tháng 7-2022, Trường ĐH Hồng Đức đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp từ Đề án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ ngành chất lượng cao vẫn chưa được tuyển dụng.

Theo tìm hiểu, Đề án này được triển khai từ năm 2018 do Trường ĐH Hồng Đức thực hiện đào tạo. Có 4 ngành được mở, đào tạo gồm: Sư phạm toán, vật lý, ngữ văn và lịch sử. Từ năm 2018-2022 có 239 sinh viên đủ điều kiện theo học tại 4 ngành.

Trong năm 2022, khóa học đầu tiên (khóa 2018-2022), đã có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, 22 học sinh trên không được ưu tiên tuyển dụng vào dạy tại các trường như chủ trương của Đề án trước đó đã đưa ra. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên sư phạm chất lượng cao vẫn loay hoay tìm việc, có người đi dạy hợp đồng, có người đã tìm việc khác để làm.

Em N.T.N. (một sinh viên đã tốt nghiệp) cho biết, thời điểm trúng tuyển, N. cứ nghĩ ra trường sẽ được đảm bảo đầu ra nên rất yên tâm theo học. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, N. và hầu hết các bạn cùng khóa phải tự tìm việc làm. "Em đã tự liên hệ và hiện dạy hợp đồng với một nhà trường trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, đây là hợp đồng với trường nên mình có thể bị thanh lý hợp đồng bất cứ lúc nào, khi nhà trường có giáo viên chuyển về. Tự bản thân em cũng phải nỗ lực, nhưng chúng em cũng muốn được quan tâm trong tuyển dụng để ổn định công việc lâu dài"- em N. chia sẻ.

Trả lời báo chí về việc này, PGS-TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, cho biết việc tuyển dụng không phải là trách nhiệm của trường, trường không có một ràng buộc nào, mà việc này của các sở liên quan trên địa bàn. "Ngay khi trúng tuyển và trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng đã truyền thông, tư vấn cho sinh viên hiểu, nhà trường, giáo viên cũng không nói học lớp này ra là có việc làm ngay"- ông Bùi Văn Dũng cho biết.

Theo học ngành đặt hàng, sinh viên sư phạm ở Thanh Hóa ra trường bơ vơ - Ảnh 2.

Văn bản của tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên ra trường từ Đề án đào tạo chất lượng cao tại Trường Đại học Hồng Đức

Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cũng cho biết thêm nhờ ngành chất lượng cao mà những năm gần đây, điểm chuẩn của nhà trường cao lên, có sự quan tâm của xã hội. Về việc sinh viên ra trường khó tìm việc làm, ông Dũng cho rằng UBND tỉnh đã biết và đã chỉ đạo, các sở, ban, ngành đã làm công văn trả lời, giao cho đầu mối Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch tuyển dụng.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Nguồn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT, cho biết trước đây Trường ĐH Hồng Đức được Bộ GD-ĐT công nhận cho đủ năng lực để đào tạo giáo viên chất lượng cao, nên việc khi đào tạo ra tuyển dụng ngay là không có, vì việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017 và Nghị định 115/2020/NĐ-CP, ngày 25-9-2020 của Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết UBND tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và giao cho các sở, ngành làm phương án báo cáo cụ thể trong quý 1/2023. Đồng thời phải xây dựng phương án tuyển dụng cho các sinh viên trước khi ra trường của các năm tiếp theo. "Quan điểm của tỉnh là bố trí tuyển dụng với các sinh viên này để phát huy hiệu quả đề án đào tạo chất lượng cao của tỉnh"- ông Tùng cho hay.

Tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương ưu tiên tuyển dụng

Trước đó, ngày 2-4-2018, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký văn bản về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên.

Văn bản nêu rõ để triển khai có hiệu quả Đề án, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án.

Điều kiện tuyển dụng, tốt nghiệp đại học loại khá trở lên theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ Đề án; có điểm thi đầu vào đại học từ 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học (không tính điểm nhân hệ số (nếu có) của từng môn thi)…

Chỉ tiêu tuyển dụng là 20 chỉ tiêu/ngành/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Việc tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo