Cách đây 16 năm, ngày 12-3-2007, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh lịch sử khi chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.170,67 điểm. Trước đó, chỉ trong vòng hơn một năm, chỉ số này đã tăng vọt - gấp 3,9 lần từ mức 300 điểm đầu năm 2006. Đáng chú ý, sau khi chạm mốc cao thời điểm đó, thị trường liên tục lao dốc - chỉ còn hơn 200 điểm vào năm 2009. Kịch bản này khá giống với những gì đã xảy ra từ năm 2021 tới nay.
Phát triển vượt bậc
Tuy vậy, ông Lương Duy Phước (Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán ACBS) cho biết bối cảnh thị trường chứng khoán cách đây 16 năm rất khác với thời điểm hiện tại. Khi đó, VN-Index tăng từ 300 điểm lên 1.170,67 điểm với động lực chính đến từ làn sóng thoái vốn, cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế.
Điển hình là các thương vụ chào bán cổ phần lần đầu (IPO) của các DN nhà nước như Bảo Việt, Tài chính Dầu khí (PVFC), Đạm Phú Mỹ… Đặc biệt, thương vụ IPO hàng tỉ USD của Vietcombank đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn và được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Ngoài ra, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cũng góp phần đẩy thị trường chứng khoán lên đỉnh.
Làn sóng cổ phần hóa này tạo nên cơn sốt cho thị trường, thúc đẩy sự tham gia của nhiều thành phần - nhất là nhóm nhà đầu tư cá nhân là hộ gia đình, viên chức, phụ nữ nội trợ… dẫn đến sự biến động lớn và bất ổn khi các công ty niêm yết chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng nhanh, trong đó nhiều công ty bị định giá quá cao. Từ đó, thị trường đã trải qua một đợt sụt giảm mạnh sau một năm chứng khoán đạt đỉnh cao nhất.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Chính phủ đã thực hiện các bước để cải thiện sự ổn định và quy định của thị trường, tăng tính minh bạch, đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư. Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành, nâng cấp hệ thống đặt lệnh của Ủy ban Chứng khoán, xây dựng sản phẩm chứng khoán phái sinh… là những yếu tố nổi bật sau năm 2007.
Theo Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều bước phát triển vượt bậc. Nếu năm 2007 vốn hóa thị trường 491.000 tỉ đồng thì nay đã tăng gần 10 lần, lên 4,05 triệu tỉ đồng. Số DN niêm yết cổ phiếu từ con số 249 công ty và chứng chỉ quỹ tăng lên 1.000 DN niêm yết trên cả 3 sàn. Số cổ phiếu lưu hành tăng từ 5,5 tỉ đơn vị lên 142 tỉ đơn vị. Đặc biệt, số lượng tài khoản giao dịch cách đây 16 năm chỉ 350.000, nay lên tới 2,6 triệu tài khoản.
Là người theo dõi thị trường chứng khoán từ nhiều năm qua, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển phân tích thời điểm năm 2007 là lúc thị trường chứng khoán tăng nóng trong bối cảnh dòng tiền ngoại đổ vào nhiều.
Thực tế, thời điểm đó DN phát triển không thật sự bền vững, bằng chứng là ngay sau đó, năm 2008, chứng khoán rơi một mạch từ 1.100 xuống chỉ còn gần 300 điểm. Chứng khoán có thể tăng/ giảm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, chứng khoán vẫn là một kênh huy động vốn cho DN và nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán đang hướng đến sự phát triển bền vữngẢnh: Hoàng Triều
Chất lượng chưa cải thiện
Liên quan việc chứng khoán sau 16 năm vẫn ở mức 1.100 điểm dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục trong thời gian qua, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế có nhiều năm theo dõi thị trường, PGS-TS Nguyễn Văn Trình cho rằng cần nhìn ở những con số về quy mô vốn hóa thị trường, lượng cổ phiếu tham gia giao dịch, số lượng nhà đầu tư…
Trong quá khứ, từng có thời điểm thị trường chứng khoán quy định giá cổ phiếu của một DN không được giảm xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau này quy định đó đã được sửa đổi vì chưa phản ánh đúng bản chất của DN.
"Hiện tại, thị trường có số lượng DN niêm yết nhiều hơn nhưng lại có rất nhiều cổ phiếu vài ngàn đồng, thậm chí vài trăm đồng/cổ phiếu. Những cổ phiếu có thị giá quá thấp cũng ảnh hưởng đến chỉ số chung của thị trường. Mốc chỉ số không phải là vấn đề, mà quan trọng nhất là quy mô, vốn hóa và thu hút được bao nhiêu vốn cho nền kinh tế, giúp DN có nguồn vốn dài hạn" - PGS-TS Nguyễn Văn Trình phân tích.
Chứng khoán thường được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế nên việc chỉ số chứng khoán 1.100 điểm phần nào phản ánh sức khỏe của DN. Một DN mạnh thì giá cổ phiếu cao và ngược lại. Thị trường đang định giá sức mạnh của DN niêm yết qua giá cổ phiếu. Các chuyên gia nhận định thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán có nhiều sự lựa chọn về cổ phiếu hơn, cơ hội kiếm tiền trong ngắn hạn và dài hạn cũng nhiều hơn, DN minh bạch thông tin hơn.
Vậy vì sao nhà đầu tư vẫn chưa "xuống tiền" trong trung, dài hạn vào chứng khoán? PGS-TS Nguyễn Văn Trình đánh giá dù thị trường đã minh bạch hơn nhưng thực tế vẫn có nhiều DN niêm yết chưa báo cáo tài chính đầy đủ, chưa chủ động cung cấp thông tin. Lợi thế của DN niêm yết là minh bạch thông tin để cung cấp cho nhà đầu tư so với các DN chưa niêm yết.
"Nếu DN cung cấp thông tin không đúng thì cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay xử lý để tạo sự minh bạch, tạo niềm tin cho thị trường, tránh làm méo mó thị trường. Càng minh bạch thì DN càng dễ tạo niềm tin trong thu hút dòng vốn đầu tư" - PGS-TS Nguyễn Văn Trình nói.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh 1.100 điểm sau 16 năm có yếu tố đến từ cơ cấu của nhà đầu tư, khi có hơn 90% nhà đầu tư nhỏ làm nên tâm lý đám đông khiến những đợt chứng khoán tăng nóng rồi giảm đột ngột - tăng thì nhanh nhất thế giới mà giảm cũng giảm mạnh nhất thế giới. Đây là điểm đặc biệt của những thị trường cận biên với tâm lý chủ yếu là lướt sóng và không đầu tư dài hạn.
"Dù quy mô, số lượng tài sản tăng lên nhưng chất lượng không có sự cải thiện. Hơn 1.700 mã đã niêm yết trên cả 3 sàn nhưng quy mô vốn hóa không bằng Thái Lan chỉ có khoảng 600-700 mã, phản ánh chất lượng hàng hóa trên sàn. Chất lượng hàng hóa niêm yết chưa bền vững, chưa tương xứng với số lượng niêm yết" - ông Minh nói.
Cần cấu trúc lại hàng hóa
Ngay cả sàn HoSE vẫn có rất nhiều cổ phiếu rác như câu chuyện của loạt cổ phiếu họ FLC thời gian qua. Do đó, để thị trường chứng khoán phát triển bền vững trong thời gian tới và tăng chỉ số, cần cấu trúc lại hàng hóa. Chưa kể, thị trường đang phụ thuộc vào 2 ngành vốn hóa lớn là ngân hàng và bất động sản, trong khi bất động sản có tính chu kỳ và chưa có ngành khác đủ lớn thay thế.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Minh, một yếu tố của thị trường chứng khoán cần phải thay đổi là tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện có nhóm DN 100% tỉ lệ sở hữu nước ngoài và nhóm DN tỉ lệ sở hữu nước ngoài 49%. Nhưng riêng nhóm tài chính, nhất là ngân hàng, chỉ có 30% tỉ lệ sở hữu nước ngoài nên chưa thật sự hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Tạo nền tảng phát triển bền vững
TS Đinh Thế Hiển cho rằng ở thời điểm hiện tại, có một điểm tích cực là thị trường đang có những dấu hiệu để phát triển bền vững. Năm 2023, Chính phủ đang tạo ra nền tảng để chứng khoán phát triển bền vững, khi những DN sân sau, làm ăn không bài bản sẽ khó có đất sống trong thời gian tới.
"Khi nền kinh tế ổn định, dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường sẽ đổ vào chứng khoán, chọn những DN hoạt động sản xuất - kinh doanh bền vững. Đây là tiền đề và cơ hội để thị trường phát triển. Khi không còn sự đầu cơ, dòng tiền sẽ hướng đến sự lâu dài và bền vững hơn" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Bình luận (0)