Thị trường chứng khoán vì thế có vai trò đáng kể, quan trọng trong quá trình hội nhập sâu của kinh tế Việt Nam. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt thông qua cổ phần hóa đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận các loại cổ phiếu, trái phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư trực tiếp và gián tiếp có một thị trường được cung ứng khá đầy đủ về dịch vụ để chuyển tải dòng vốn vào thị trường Việt Nam.
Qua 20 năm phát triển, từ 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu (mã SAM, REE), đến nay số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán đã lên tới 1.647 công ty, với giá trị niêm yết/đăng ký giao dịch 1.428.000 tỉ đồng. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tính đến ngày 30-6 đạt 3.894.000 tỉ đồng, chiếm 64,5% GDP. Nhìn từ hai phía, bất cứ thị trường chứng khoán nào đặt trong tổng thể thị trường tài chính cũng cần có bước đi hài hòa, nhịp nhàng với bức tranh toàn cảnh chung của kinh tế cả nước. Nền kinh tế quốc gia phát triển sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và ngược lại, vận hành của thị trường chứng khoán cũng tác động trở lại nền kinh tế.
Để thị trường chứng khoán phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững, đạt hiệu quả, cần hội nhập sâu hơn, áp dụng tốt hơn các thông lệ, sản phẩm, dịch vụ của những thị trường tiên tiến trên thế giới. Nghĩa là phải thị trường hóa các sản phẩm, công cụ để nhà đầu tư được giao dịch với nhau bằng sản phẩm chuyên nghiệp của một thị trường chứng khoán chuyên nghiệp, trong đó lưu ý nhất là các công cụ phái sinh.
Nỗ lực và kỳ vọng hơn nữa trong việc chuyển nhanh từ thị trường cận biên thành một thị trường mới nổi với tính công khai, minh bạch tốt hơn là một trong những điều mà chúng ta đã đặt ra từ 2 năm nay. Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia và áp dụng được những chuẩn mực của quốc tế. Tất nhiên, để làm được, đòi hỏi quyết tâm lớn từ phía Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư theo hướng thị trường hóa mạnh mẽ hơn, tương thích hơn với thế giới.
Thị trường chứng khoán bản chất là một thị trường mua bán với các hoạt động cung - cầu. Việc dự báo giá dựa vào các yếu tố cung cầu cũng như yếu tố vĩ mô đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và các diễn biến đặc biệt khác. Ngoài ra, còn có tình trạng thiếu vắng các dịch vụ chuyên nghiệp, cụ thể là các công cụ phái sinh phục vụ quyền chọn mua - chọn bán của nhà đầu tư. Có thể đây là lý do không hiếm nhà đầu tư lo ngại khó dự báo được thị trường, khó đề phòng rủi ro khi tham gia thị trường này. Tuy vậy, 10 năm trở lại đây, thị trường đã có thể dự báo tốt hơn. Việc cần làm nhất là cơ quan quản lý cần dập tắt những nghi ngại đó thông qua việc đưa chứng khoán Việt Nam theo hướng thị trường hóa thật sự mạnh mẽ, tôn trọng nguyên tắc thế giới.
Bình luận (0)