Ông Mẫn cho biết bên cạnh tiềm năng, lợi thế thì ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, vẫn còn là vùng nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đây là vùng được các nhà khoa học và tổ chức về môi trường trong và ngoài nước đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng mong muốn các tỉnh trong khu vực cùng phối hợp giải quyết những khó khăn do BĐKH gây ra; đồng thời phát huy các lợi thế trong vùng nhằm thúc đẩy sự phát triển chung một cách bền vững, góp phần phát triển sự nghiệp khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế của đất nước. "Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng sẽ luôn đồng hành với các nhà khoa học, doanh nghiệp; luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành khoa học - công nghệ phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại" - ông Lâm Văn Mẫn khẳng định.
Trong báo cáo được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Chí Ngôn, giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, nêu rõ BĐKH và xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp ở ĐBSCL. Những quy luật thời tiết thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình làm đất, xuống giống, quá trình sinh trưởng và phát triển, thu hoạch của cây trồng.
Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm và giá thành sản xuất. Ngoài ra, người dân vùng ĐBSCL chưa có kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chưa có thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất để tồn trữ, bảo quản và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm mới. ĐBSCL thuộc vùng nhiệt đới chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mùa, lượng mưa hằng năm khá lớn, đất canh tác lúa thấp, thường xuyên chứa nước trong mùa mưa.
Do đó, tìm giống cây thay thế cây lúa trên vùng đất ngập nước mà hiệu quả như cây lúa là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. So với mặt bằng chung của cả nước, ĐBSCL là vùng có mức độ ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc nhóm thấp. Đa số doanh nghiệp tại ĐBSCL là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tốc độ chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ chậm.
Theo TS Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả Miền Nam, cần tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu đa dạng của thị trường, có khả năng chống chịu với nhóm bệnh lây lan qua đất và điều kiện bất thuận của môi trường; tạo giống chống chịu được một số dịch hại quan trọng, thích ứng với BĐKH, tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới của Việt Nam; đánh giá chất lượng các giống cây ăn quả đặc sản, bản địa.
TS Dương Hoàng Sơn, Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất xây dựng quy hoạch tổng thể cho sản xuất lúa ở ĐBSCL; xây dựng các chương trình, đề tài/dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có tính tổng thể và dài hạn đối với lúa ở vùng ĐBSCL phù hợp yêu cầu cho từng tiểu vùng sinh thái, hướng tới sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, thích ứng với BĐKH.
Bình luận (0)