xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiêng liêng kỷ vật đi B (*): Mãi mãi khắc ghi

Bài và ảnh: Bạch Huy Thanh

Trong những kỷ vật của cán bộ đi B, có những lá đơn tình nguyện mà người viết dùng máu để đóng dấu vân tay thay cho chữ ký

"Nếu được như nguyện vọng, tôi vô cùng phấn khởi", "nguyện vọng cao nhất và cũng vinh dự đối với tôi là mong được chọn vào danh sách đi B"… Đó là những câu chữ chân thành mà chúng tôi đọc được trong những lá đơn tình nguyện của các cán bộ đi B, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Đóng dấu thư bằng máu

Trong nhiều lá thư còn bày tỏ nhận thức, quan điểm sâu sắc của các cán bộ về thủ đoạn, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ cũng như sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh. Đây là một đoạn trong lá đơn tình nguyện đi B của cán bộ Trần Xuân Viễn: "Đế quốc Mỹ và tay sai ngày càng điên cuồng mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, tàn sát dã man thường dân, phá hoại các công trình xây dựng của đất nước ta. Tội ác của chúng không sao kể xiết".

Thiêng liêng kỷ vật đi B (*): Mãi mãi khắc ghi - Ảnh 1.

Những thẻ tiết kiệm, biên lai góp vốn của cán bộ đi B gửi lại

Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, nói có những cán bộ cố gắng làm đơn nhiều lần để được cấp trên cho đi B, như chị Nguyễn Thị Thanh và anh Lương Quang Phấn cùng quê Nam Hà, anh Trịnh Ngọc Sơn và chị Phạm Thị Nhâm quê Ninh Bình… Vì tuổi chưa đủ hoặc do yêu cầu của cách mạng miền Bắc lúc ấy đang cần họ nên những lần làm đơn trước chưa được duyệt nên tiếp tục làm đơn thiết tha đề nghị được vào Nam và khẳng định đấy là ước mơ, là lý tưởng sống của mình. Nhiều cán bộ còn khẳng định rằng mình đủ tiêu chuẩn để được vào Nam.

"Khi học hết cấp II, mấy lần tôi làm đơn tình nguyện vào bộ đội song không được vì chưa đủ tuổi. Thời gian ấy, tôi rất buồn vì một số bạn bè sau một vài đợt đi khám quân sự đều được tuyển. Từ ngày vào trường đại học đến nay, ngẫm lại tự thấy thẹn với mình, thẹn vì khả năng của mình có mà không làm gì được trước hành động đê hèn của đế quốc Mỹ. Hai năm học, được sự bảo vệ của bao chiến sĩ pháo binh cao xạ, hải quân, không quân và nhân dân miền Bắc, tôi tự nghĩ phải làm gì cho xứng với công lao đó. Vậy hôm nay, tôi viết đơn này với cả tấm lòng thành thực, thiết tha và mong muốn nhất là được đi B làm công tác" - một thư viết.

Ở một thư khác cũng không còn đọc rõ tên, có lẽ là của một cán bộ ngành y, viết: "Đã từ lâu, tôi hằng mơ ước được vào Nam làm công tác giáo dục. Không còn tiêu chuẩn nào mà tôi chưa đạt nữa. Lúc này, một niềm tin vô hạn và chắc chắn của tôi là được đi B, niềm tin đó cũng là lý tưởng của tôi. Trong hoàn cảnh của cách mạng hiện tại, tôi không thể ở bệnh viện của hậu phương mãi được".

Thiêng liêng kỷ vật đi B (*): Mãi mãi khắc ghi - Ảnh 2.

Đơn tình nguyện của những cán bộ đi B

Bà Luyện Thị Thu Thủy, nhân viên Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, chia sẻ: "Khi chỉnh lý các hồ sơ, kỷ vật, chúng tôi bàng hoàng khi biết có nhiều lá đơn dùng máu để đóng dấu vân tay thay cho chữ ký. Chúng tôi không kìm được xúc động. Không chỉ vậy, qua nội dung của các lá thư còn là bóng dáng của tình yêu đôi lứa trong sáng, tình thương với ông bà, cha mẹ, anh chị em, với con thơ, người vợ tảo tần... Chính những tình yêu ấy, hậu phương vững chắc ấy làm cho họ không nhụt chí và có những hướng giải quyết tốt nhất để khắc phục khó khăn, vướng mắc về gia đình, đồng thời cũng là nguồn động lực, là sức mạnh thôi thúc họ lên đường cống hiến cho Tổ quốc".

"Là một nữ thanh niên mới lớn lên, tôi cũng không giấu giếm gì các đồng chí là tôi cũng như mọi người, mọi chị em khác, ấp ủ trong lòng một mối tình với bạn trai tốt nghiệp cùng khóa bác sĩ với tôi, sinh hoạt cùng tổ và hiện đã đi B từ tháng 9-1965. Đến nay, chúng tôi vẫn giữ tròn sự hứa hẹn khi xa nhau. Gia đình cũng mong muốn tôi được đi B công tác và phấn khởi khi thấy tôi được cấp trên gọi đi trong bất kể thời gian nào" - thư của một nữ bác sĩ.

Kho tàng tinh thần lớn lao

Theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, sau khi Ủy ban Thống nhất Chính phủ bàn giao cho trung tâm những hồ sơ, kỷ vật đi B, đơn vị tổ chức chỉnh lý các hồ sơ, kỷ vật đó cho đúng thứ tự sắp xếp thì phát hiện một số lượng trái phiếu, thẻ tiết kiệm, thẻ góp vốn của các cán bộ này gửi lại trước khi lên đường đi B. Đó là những biên lai tiền góp vốn mệnh giá 2 đồng, 5 đồng; có cả những thẻ tiết kiệm với số tiền gửi lên tới hàng ngàn đồng. So giá trị của thời bấy giờ với hiện tại thì sẽ khác nhau nhiều nhưng những kỷ vật này ngoài giá trị về vật chất còn là kho tàng tinh thần lớn lao. Thời gian tới, trung tâm sẽ kết hợp các ngành chức năng để cố gắng xác minh, trao trả cho chủ nhân của những kỷ vật này, những trường hợp này.

Thiêng liêng kỷ vật đi B (*): Mãi mãi khắc ghi - Ảnh 3.

Các nhân viênTrung tâm Lưu trữ quốc gia III tận tâm với việc sắp xếp, bảo quản hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B

Cụ Nguyễn Văn Chấn (ngụ số nhà 72 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho hay: "Thời đó, 1 đồng tương đương với 10 hào. Những năm 1940, 1 đồng mua được hàng chục bát phở gà ngon. Sau này, tiền mất giá hơn nhưng khoảng những năm 1960 thì 1 đồng vẫn mua được 3 bát phở. Hiếm ai dám mơ đến hàng ngàn đồng vì lương cán bộ thời ấy cũng chỉ có 50 đến 60 đồng/tháng và cũng chỉ đủ sống mà thôi".

Bà Thủy cũng giải thích thêm: "Có thời điểm, nhiều phong trào mua phiếu góp vốn xây dựng hay vận động người dân tham gia góp vốn cho tập thể được phát động, rất nhiều người dân tham gia các phong trào như vậy".

Trong các hồ sơ đi B, lắm trường hợp có rất nhiều phiếu góp, phiếu tiết kiệm như vậy nhưng chủ nhân của nó có thể đã mất hoặc vẫn chưa biết là đang còn.

Được xem là tài sản quốc gia

"Hồ sơ cán bộ đi B được xem là tài sản quốc gia, phản ánh một thời hào hùng trong lịch sử dân tộc; góp phần thể hiện chân thực, sinh động những đóng góp của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là kỷ vật thiêng liêng của mỗi cá nhân, gia đình có cán bộ đi B, đồng thời là những tài liệu quan trọng để làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng, thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến. Đây cũng là bằng chứng sinh động để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ" - bà Trần Việt Hoa nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo