Sáng 20-4 (tức 16-3 năm Kỷ Hợi), tại di tích cấp quốc gia Đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh ( huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng nhớ, tri ân công đức các binh phu Hoàng Sa năm xưa đã không tiếc thân mình giong thuyền, vượt sóng ra khơi dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Lễ tế binh phu Hoàng Sa
Văn tế trong buổi lễ đã thể hiện xác thực về số phận của những người đi lính Hoàng Sa năm xưa. Buổi lễ đã tái hiện, khắc họa sinh động lại lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa, với những thuyền câu, trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo như: vàng mã, thịt gà, xôi chè, nẹp tre, dây mây, muối gạo...
Nghi thức thả thuyền câu
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ gần 400 năm trước để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của người dân Lý Sơn nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Thổi ốc u tại lễ Khao lề thế lĩnh Hoàng Sa
Ông Nguyễn Bông – Trưởng Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh, cho biết lễ hội này ngoài nghĩa cử tri ân, tưởng nhớ các binh phu trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn đã quên mình vì nghĩa lớn, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước về chủ quyền biển đảo thiêng liêng cho thế hệ trẻ.
Thả thuyền câu và hình nhân thế mạng
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2013 và được duy trì tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch hằng năm.
5 thuyền câu hướng ra biển Hoàng Sa
Theo sử liệu ghi chép lại vào thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội của đảo Lý Sơn để bổ sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền. Chính vì ra khơi gặp nhiều rủi ro bất trắc, nên trước khi đội dân binh lên thuyền đi làm nhiệm vụ cao cả, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) và dùng "hình nhân thế mạng" để cầu mong may mắn cho người ra đi và yên lòng người ở lại.
Bình luận (0)