Tối 11-6, tại Quảng trường Nghinh Phong, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022. Tại đây, Báo Người Lao Động và Bộ TN-MT đã trao 10.000 lá cờ từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động khởi xướng cho bà con ngư dân tỉnh Phú Yên.
Thấy Quốc kỳ là thấy quê hương
Đây là lần thứ 3 Báo Người Lao Động trao cờ Tổ quốc tại tỉnh Phú Yên. Trước đó, trong khuôn khổ hợp tác giữa Báo Người Lao Động và tỉnh Phú Yên, Báo Người Lao Động đã tặng 20.000 lá cờ cho bà con ngư dân tỉnh này, đồng hành với bà con vươn khơi bám biển. Nhưng lần trao cờ này mang ý nghĩa đặc biệt hơn. Những lá cờ đỏ sao vàng được trao đến tận tay ngư dân trong ngày thế giới hướng về đại dương, trong tuần lễ cả nước hướng về biển, đảo quê hương với mục tiêu "Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển".
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao cờ cho ngư dân Phú Yên tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, tổ chức tối 11-6 .Ảnh: HUẾ XUÂN
Tại buổi lễ, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao Quốc kỳ do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cùng bảng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Tiếp đó, những lá cờ đỏ thắm được bung ra, cùng với những túi thuốc y tế để trao cho 10 ngư dân tiêu biểu hành nghề câu cá ngừ đại dương của tỉnh nhà. Những lá cờ đỏ sao vàng in trên phông nền xanh thẳm của đại dương tại khán đài càng tô thêm sắc màu thiêng liêng của buổi lễ.
"Là người Việt Nam, ai cũng trân trọng Quốc kỳ nhưng với những ngư dân khai thác xa bờ như chúng tôi, đó còn như báu vật. Mỗi chuyến biển ra khơi hàng tháng trời, không thấy đâu là đất liền nhưng chỉ cần thấy màu cờ đỏ, treo trên cột tàu, phấp phới trên biển là đã thấy quê mình ở đó. Gần gũi và thiêng liêng. Thấy màu cờ ấy càng thấy rõ trách nhiệm của mình hơn. Phải giữ biển như giữ từng tấc đất ông cha để lại" - lão ngư dân Phan Thuẫn (72 tuổi; Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa) nâng niu cờ Tổ quốc trên tay, vừa bước xuống khán đài, chia sẻ.
Ba năm - một hành trình ý nghĩa
Xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm của người làm báo, với mong muốn góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã khởi xướng và thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Chương trình được chính thức phát động vào ngày 1-6-2019, nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam do Bộ TN-MT tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Đến tháng 4-2021, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cùng sự đồng hành của Tập đoàn Cao su Việt Nam, hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" cũng chính thức được triển khai. Và gần đây, hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" cũng được triển khai thực hiện đến các tỉnh, thành không có biên giới tiếp giáp nước bạn.
Ngay từ những ngày đầu, chương trình đã nhận được sự quan tâm từ nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đã 2 lần tham dự chương trình, trao cờ trực tiếp cho ngư dân tại Kiên Giang và Bình Định. Ngày 22-12-2019, chương trình hân hạnh nhận được thư khen của Thủ tướng. Tiếp đó, tháng 6-2021, nhân kỷ niệm 2 năm ngày chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" được thực hiện, trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã gửi tặng chương trình 5.000 lá cờ Tổ quốc. Đây là sự quan tâm và động viên rất lớn đối với những người thực hiện chương trình của Báo Người Lao Động.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện chương trình thiêng liêng này, Báo Người Lao Động đã trao và ký kết trao 875.220 lá cờ Tổ quốc trong tổng số 1 triệu lá cờ đến đồng bào các tỉnh, thành toàn quốc và nhiều đơn vị, trong đó đã trao và ký kết trao 659.470 lá cờ trong chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho ngư dân 24 tỉnh, thành phố có biển; 153.050 lá cho hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" đến 18 tỉnh và 62.700 lá cờ cho hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" tại 12 tỉnh, thành.
TS Tô Đình Tuân chia sẻ: "Trong suốt 3 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo TP HCM, các bộ, ban, ngành, các lực lượng vũ trang, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Mặc dù qua 2 năm dịch bệnh nhưng chúng tôi đã nỗ lực hết mình, đã tổ chức hơn 100 sự kiện ở mọi miền đất nước, để đưa cờ Tổ quốc, đưa thuốc y tế đến với ngư dân ở tất cả tỉnh, thành có biển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao".
"Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương"
Đó là chủ đề được Liên Hiệp Quốc (LHQ) lựa chọn trong ngày Đại dương năm nay (8-6). Với chủ đề này, LHQ muốn thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn TN-MT biển với mục tiêu phát triển bền vững. Gắn với chủ đề này, Bộ TN-MT cũng xác định chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 là "Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển" nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta.
Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT, cho biết đại dương đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Theo cảnh báo của LHQ, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung. "Nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT đưa ra 5 nội dung cần hành động ngay. Thứ nhất, thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương. Thứ hai, chú trọng phát triển nuôi trồng, khai thác hải sản xa bờ có trách nhiệm, nhất là tại các đảo tiền tiêu. Thứ ba, cần phát triển các khu bảo tồn biển tại các đảo tiền tiêu, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái biển. Thứ tư, xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, nhất là rác thải nhựa. Thứ năm, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, quan hệ đối tác với tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về TN-MT biển và hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển.
Bà Caitlin Wiesen - quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam - đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong việc phục hồi các hệ sinh thái biển, chống ô nhiễm môi trường biển trong thời gian vừa qua. Bà cho rằng: "Biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác thải nhựa đang uy hiếp nghiêm trọng đến đại dương. Nếu không hành động kịp thời thì đến năm 2050, sẽ có nhiều nhựa hơn cá ở đại dương".
Bà Caitlin Wiesen cũng thể hiện mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác của LHQ với Việt Nam trong việc phục hồi các hệ sinh thái biển, phát triển kinh tế biển bền vững trong thời gian tới.
Bình luận (0)