Từ đầu hè năm nay, ngành giáo dục các địa phương đã lên tiếng báo động về thực trạng này. Cụ thể, năm học 2022-2023, Hà Nội thiếu 7.147 GV, Thanh Hóa 10.000, Nghệ An 6.000, TP HCM 5.200, Bình Dương 3.000, Đồng Nai 2.000…
Thiếu GV trầm trọng nhất là ở các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường, lớp cũng thiếu. Chẳng hạn, ở TP HCM, năm học 2022-2023 tăng thêm gần 22.000 học sinh các cấp, đưa 575 phòng học mới vào sử dụng, thế nhưng tại không ít quận, huyện hiện vẫn còn nhiều trường tiểu học có sĩ số trên 45 học sinh/lớp, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Thiếu trường, thiếu lớp thì dễ hiểu, còn thiếu GV - mà tình trạng này kéo dài từ năm này qua tháng nọ - thì lý giải kiểu gì cũng khó thuyết phục.
Bởi vì cả nước đang có tới 110 cơ sở đào tạo sư phạm; và hầu như tỉnh, thành nào cũng có trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường/khoa sư phạm không hề thấp, sinh viên sư phạm còn được nhà nước hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt (theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP).
Ngoài ra, Nghị định 116/NĐ-CP còn cho phép các địa phương, các tổ chức "đặt hàng các trường sư phạm đào tạo GV". Mỗi năm có hàng chục ngàn cử nhân sư phạm ra trường. Vậy, không thể cho rằng thiếu GV là do hụt từ nguồn đào tạo được.
Thế thì nguyên nhân cốt lõi nằm ở đâu?
Là ở chỗ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng chưa phù hợp.
Thử nhìn vào TP HCM - là một trung tâm đào tạo - mà lại đang thiếu GV tiếng Anh và Tin học. Ngành giáo dục thành phố chỉ ra nguyên nhân là do sinh viên sư phạm 2 ngành này khi ra trường thì chọn đi làm ngoài chứ không đi dạy. Có phải chỉ do thu nhập? Chưa hẳn, còn vì vướng luật nữa. Luật Giáo dục quy định GV tiểu học phải có trình độ cử nhân, mà đã cầm được tấm bằng cử nhân - như cử nhân công nghệ thông tin - thì mấy ai chọn dạy tiểu học? Trong khi người có văn bằng thấp hơn, muốn đi dạy thì lại không được!
Một nguyên nhân khác, ở tầm vĩ mô, là các địa phương đều kẹt định biên. Nơi nào cũng chịu sức ép về tinh giản biên chế nên thực hiện cắt giảm cơ học, dẫn tới nghịch lý: thiếu GV mà không được tuyển, không được tuyển mà vẫn phải giảm biên chế. Đường vào công chức, viên chức giáo dục quá gian nan, trong khi làm GV hợp đồng thì chế độ quá bèo bọt, thậm chí bị nợ lương lưu niên, thì hỏi sao GV không thiếu, không bỏ nghề…
Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm không làm đúng ngành nghề hoặc thất nghiệp, chờ việc.
Bộ Chính trị vừa giao bổ sung 65.980 biên chế GV (giai đoạn 2022-2026), trong đó riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập. Nhờ đó, ngành giáo dục đang "nắng hạn gặp mưa rào"!
Nhưng rõ ràng, chuyện về GV không chỉ nằm ở số lượng. Nếu đời sống, thu nhập của "người đưa đò" vẫn èo uột, môi trường học đường mất an toàn thì tình trạng GV bỏ dạy, cử nhân sư phạm không theo nghề sẽ còn kéo dài. Đó mới là những vấn đề căn cơ cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo.
Bình luận (0)